Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn nhiều băn khoăn về không đưa quy định “trưng mua” vào thu hồi đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của UBTVQH, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng 4 điều ). Trong đó, UBTVQH đưa ra 22 vấn đề được giải trình.

 
Trong đó, về sở hữu đất đai, UBTVQH tiếp thu và quy định bổ sung một điều “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Về hình thức, đối tượng, cách thức tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện bằng các phương thức và mức độ phù hợp; trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân của cơ quan tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất (khoản 4 Điều 42), cũng được tiếp thu và quy định: “Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân bằng các hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân bằng các hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và qua trang thông tin điện tử. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ quy định cụ thể việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại khoản này”.
  
Vẫn nhiều băn khoăn về không đưa quy định “trưng mua” vào thu hồi đất - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.
 

Tuy nhiên, vấn đề thu hồi đất vẫn còn nhiều băn khoăn giữa quan điểm tiếp thu của UBTVQH và các ĐBQH. Theo UBTVQH, nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.

UBTVQH đưa ra quan điểm, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất, thu hồi đất. Các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật, báo cáo nêu rõ. Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất.

Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Dự thảo Luật cũng đưa ra những dự án cụ thể như: Các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được HĐND cấp tỉnh thông qua; các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản.

Còn đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nhưng không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì cho phép chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, thảo luật về Dự thảo, nhiều ĐBQH vẫn cho rằng, nên có quy định về “trưng thu”, “trưng mua”. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Nếu chưa đưa ra “trưng mua quyền sử dụng đất” vào Dự thảo Luật là chưa thuyết phục. Bởi khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với bảo hộ quyền sử dụng đất của người dân. Trong khi đó, doanh nghiệp và người dân đều là chủ thể của xã hội, do đó phải công bằng về quyền lợi. Cùng với đó, tài sản gắn liền với đất là tài sản riêng, do đó tại sao lại thu hồi? Tại sao không dùng cơ chế trưng mua?. ĐB đề nghị, cần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với vấn đề an dân, do đó Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.