Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn nhiều niềm tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nào cũng vậy, trong rộn ràng những nụ cười, những bông hoa, những lời chúc đẹp, người quan tâm đến giáo dục cũng dành một khoảng thời gian lắng lòng để ngẫm nghĩ về sự nghiệp "trồng người" hiện tại.

Quả là có những mảng màu loang, những vệt màu thiếu sáng, song vẫn có những gam màu tươi sáng để người ta đặt niềm tin và hy vọng.

Dù cho dư luận thi thoảng lại ồn lên vì những đổi mới, những quy định "mới ra lò" của ngành giáo dục, dù cho sự lúng túng của những người cầm trịch ngành "trồng người" là có thật; song phải thừa nhận sự mạnh dạn bắt tay vào cuộc, dám nghĩ dám làm, dũng cảm sửa sai trước hành trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đầy thử thách phía trước. Dù cho đây đó vẫn xôn xao về những tiêu cực "ẩn mình" nơi trường lớp, sự xuống cấp về đạo đức, mặt trái của cơ chế thị trường len lỏi lên bục giảng… song đấy thực chất vẫn chỉ là những "con sâu bỏ rầu nồi canh". Bởi vẫn hiển hiện những tấm gương sáng, những bông hoa rạng rỡ ngày ngày tận tụy tô điểm cho vườn hoa ươm trồng kiến thức và nhân cách học trò.

 
Học sinh nhớ ơn thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh Thanh Hải.
Học sinh nhớ ơn thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh Thanh Hải.
Nhìn vào giáo dục Hà Nội - nơi trường lớp, học sinh đông nhất nhì cả nước - là đã thấy rõ điều ấy. Từ bước đi khởi đầu đến hôm nay vừa tròn 60 năm vượt khó và trưởng thành, bao nhiêu thế hệ học trò đã lớn lên bên những khuôn mặt thầy cô tận tụy với nghề. Những tấm Huân chương, bằng khen, cờ thi đua trao tặng cho các đơn vị và cá nhân không phải ngẫu nhiên mà đến, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú không phải cứ "đến kỳ hạn" là đặt vào tay những người làm nghề. Đấy là cả một quá trình phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, một quá trình tận tụy, tâm huyết với học trò. Ngay trong năm 2014 này, Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hóa cấp quốc gia với 137 học sinh đoạt giải. Học sinh Thủ đô cũng liên tục giành thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế… Không có sự nỗ lực của thầy, trò đâu được vinh dự như vậy. Rồi chẳng nói đâu xa, giữa bộn bề đời sống áo cơm, vẫn có những cô giáo như cô Đỗ Thị Thanh - giáo viên dạy Sử ở trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa), kinh tế chẳng dư dả, vậy mà vẫn tình nguyện dành thời gian dạy miễn phí cho các học sinh thi đại học môn Sử suốt 3 năm vừa rồi. Tấm lòng ấy không chỉ có ý nghĩa với học sinh, mà còn đầy trân trọng giữa buổi ngành xã hội nhân văn, đặc biệt là việc học môn Sử học đang… "báo động đỏ". Rồi cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng của trường Tiểu học Quốc Oai (huyện Quốc Oai), thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Anh Chiến của trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức)… tự nguyện mở lớp học tình thương giúp trẻ khuyết tật hòa nhập, phụ đạo cho học sinh yếu kém, đưa cả học sinh nghèo về nhà nuôi dạy… Thật cảm động và đáng trân trọng!

Quả là giữa những lo âu hướng về ngành giáo dục thời gian qua, ngẫm lại trong ngày truyền thống của người làm nghề giáo này vẫn thấy còn rất nhiều bông hoa đẹp đang khoe sắc để người ta đặt niềm tin và hy vọng vào sự nghiệp trồng người.