Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn nhức nhối xăng, than xuất lậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình trạng xuất lậu xăng, dầu qua biên giới vẫn chưa chấm dứt sau đợt tăng giá xăng dầu mạnh trong nước hồi tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước vẫn chênh lệch khá lớn so với giá mặt hàng này của các nước trong khu vực.

KTĐT - Tình trạng xuất lậu xăng, dầu qua biên giới vẫn chưa chấm dứt sau đợt tăng giá xăng dầu mạnh trong nước hồi tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước vẫn chênh lệch khá lớn so với giá mặt hàng này của các nước trong khu vực.

Ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay, tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam còn phức tạp vì hiện giá bán xăng trong nước chênh lệch khoảng 3.000 đồng/lít. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp đầu mối chỉ đạo hệ thống đại lý có biện pháp tích cực chống nạn buôn lậu xăng dầu.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới lên cao, Quỹ bình ổn và các khoản thu khác của Nhà nước đối với xăng dầu là không còn nữa, quyết định cho tăng giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ là biện pháp tình thế, góp phần điều chỉnh chênh lệch giữa giá trong - ngoài nước mà chưa giải quyết căn cơ những khó khăn của doanh nghiệp. Ông Bảo đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần tổng kết Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu để đề xuất cơ chế xử lý cụ thể. “Xăng dầu và điện đều là nguồn hàng thiết yếu nhưng ứng xử điều hành 2 mặt hàng này lại khác nhau” - ông Bảo thắc mắc.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận: “Câu chuyện điều chỉnh giá mới đi một bước. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu, điện cần phải có lộ trình để tránh xáo trộn đời sống nhân dân”.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện nay giá bán than của Việt Nam vẫn thấp nên quản lý than xuất lậu rất khó khăn. Theo TKV, Chính phủ chưa có lộ trình rõ ràng về việc cho ngành than được vận hành theo cơ chế thị trường nên các hộ tiêu thụ than có tâm lý chờ đợi. Ngành than cần áp dụng cơ chế thị trường với giá than để nâng cao ý thức tiết kiệm, giống như các hộ sẽ có kế hoạch tiết kiệm điện khi điện tăng giá.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát nhập khẩu. Mặc dù Quốc hội giao mục tiêu nhập siêu năm nay phải đạt dưới 18% kim ngạch xuất khẩu nhưng mục tiêu của ngành đặt ra là tỷ lệ này không vượt quá 16%. “Nếu không có biện pháp tích cực, kiên quyết thì khó thực hiện mục tiêu này. Kiềm chế nhập siêu không chỉ rút ngắn thời gian cân bằng cán cân thương mại mà còn ổn định vĩ mô (tỷ giá, dự trữ ngoại tệ...) trong đó có việc tăng cường sử dụng các loại máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được” - ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.