Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 2/2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2013 chiều 28/2, Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã giải đáp nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

 
Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 2/2013 - Ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng cụ thể hóa, đưa các chủ trương, chính sách, chỉ đạo, điều hành (đặc biệt là Nghị quyết 01, 02) vào cuộc sống.

Đưa nhanh chính sách vào cuộc sống

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội trong 2 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực như: chỉ số công nghiệp tăng 6,8%, tuy chưa cao nhưng tiếp tục đà tăng lên; CPI trong 2 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với các năm trước nhưng không được chủ quan.

Tuy nhiên, Chính phủ phân tích, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tồn kho giảm nhưng vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 2 tháng qua là hơn 8.600, trong khi số doanh nghiệp lập mới là 8.000. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc ban hành và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh xây dựng các công trình cơ bản, tăng tốc độ giải ngân vốn…

Chính phủ quán triệt nhiệm vụ mà Quốc hội giao trong năm nay là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, vì vậy, trong 10 tháng tới, công tác chỉ đạo, điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ và các chính sách khác phải theo định hướng vừa giữ tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Năm nay, các nghị quyết về điều hành kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được cụ thể hóa, thực hiện sớm hơn so với mọi năm, nhưng theo Người phát ngôn Chính phủ, chủ trương giải pháp ở tầm Chính phủ là chưa đủ, mà các Bộ, ngành phải có văn bản hướng dẫn kịp thời, quyết liệt hơn, cụ thể hơn. "Không để từ chủ trương đến thực tiễn còn là khoảng cách dài", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Các chương trình lớn về tái cơ cấu kinh tế, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, đã được phê duyệt thì cần phải tổ chức, chỉ đạo, triển khai và trước hết là xây dựng văn bản, thể chế để thực hiện đầy đủ các chương trình.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt là liên quan đến đất đai, không để phát sinh các vụ mới do lỗi chủ quan của phía chính quyền.

Ban hành văn bản phải sát với thực tiễn

Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận thời gian qua còn có tình trạng văn bản do Bộ, ngành, địa phương ban hành có những quy định không sát với thực tiễn, chưa nói một số quy định không phù hợp với pháp luật.

Và những quy định nào trái pháp luật thì phải bãi bỏ, những gì không trái nhưng không phù hợp thì phải sửa, tinh thần chung xây dựng văn bản pháp luật, văn bản hành chính là để quản lý xã hội tốt hơn.

Trước việc phóng viên đưa ra tại họp báo về Thông tư hướng dẫn về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành chưa sát với thực tế, trái với luật trong quy định về cung cấp thông tin tiêu cực trong các kỳ thi, Người phát ngôn Chính phủ cho biết đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát lại trên tinh thần những quy định trái với luật thì phải sửa lại cho đúng.

Tương tự, về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng về hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non ở miền núi, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra ngay vấn đề này.

Cần cái nhìn tổng thể về các dự án bauxite Tây Nguyên

Tại họp báo thường kỳ tháng 2/2013 của Văn phòng Chính phủ chiều 28/2, nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của các dự án bauxite tại Tây Nguyên được đặt ra với Bộ trưởng Vũ Đức Đam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết bauxite là một trong số rất ít tài nguyên của Việt Nam có quy mô trữ lượng ở tầm quốc tế, thuộc hàng vài nước đứng đầu thế giới, dù các số liệu về trữ lượng còn có khác biệt. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên này để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và kinh tế-xã hội vùng nói riêng.

Tinh thần chung là sử dụng tiết kiệm tài nguyên hữu hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và phải có hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội. Hiệu quả của từng dự án cụ thể phải tính cả vòng đời và cả lợi ích gián tiếp về mặt xã hội.

Việc khai thác bauxite không thể tiến hành trong một lúc, không chỉ vì những vấn đề về hạ tầng, đầu tư, môi trường mà còn vì phụ thuộc thị trường thế giới, phải tính tóan “làm ra bao nhiêu, bán cho ai, bán lúc nào”, Bộ trưởng nói.

Do Việt Nam chưa có kinh nghiệm khai thác, chế biến bauxite, năm 2007, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được phê duyệt và việc triển khai một số dự án mang tính chất thử nghiệm được thực hiện trên cơ sở quy hoạch này. Chủ trương của Chính phủ là vừa làm vừa nghiên cứu, xem xét rất cẩn trọng tất cả các mặt và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh cả quy hoạch để có một lộ trình phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp.

Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi về thông tin Vinacomin đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án bauxite tại Tây Nguyên và liệu điều này có thỏa đáng hay không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc lại rằng với mỗi dự án, cần phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể và nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh tế cũng phải xét cả vòng đời dự án, có dự án kéo dài tới 50 năm. Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một ví dụ về hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể, góp phần tạo đà phát triển cho cả miền Trung.

Bộ trưởng cho biết, với một số dự án, có thể xét riêng hiệu quả kinh tế chưa hiệu quả nhưng nếu tính tổng thể là có lợi, thì Nhà nước sẽ có một số cơ chế phù hợp. “Tổng hòa lại, phải luôn luôn bảo đảm hiệu quả, có lợi về kinh tế -xã hội”, Bộ trưởng nói.

Dừng đầu tư cảng Kê Gà là hợp lý

Giải đáp câu hỏi về chỉ đạo của Chính phủ đối với các thiệt hại do Vinacomin dừng đầu tư cảng Kê Gà, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, khi thực hiện thí điểm các dự án chế biến, vận chuyển bauxite tại Tây Nguyên, Vinacomin được giao chuẩn bị đầu tư cảng Kê Gà.

“Như tôi đã nói, đây là các dự án mang tính thử nghiệm, Chính phủ đã chỉ đạo nhất quán khi bắt đầu triển khai các dự án này là vừa làm, vừa nghiên cứu tất cả các mặt một cách cẩn trọng trên các tiêu chí”, ông Vũ Đức Đam nói.

Từ quặng bauxit để tạo ra nhôm có nhiều bước, trong đó, những bước sau đặc biệt tiêu tốn điện. Bước ban đầu dừng ở mức sản xuất alumin thì khối lượng vận chuyển rất lớn. Do đó, việc quy hoạch, đầu tư cảng, hệ thống vận tải đường bộ từ chỗ khai thác, chế biến đến cảng cũng là thành phần quan trọng khi thực hiện đầu tư. Ban đầu, khi triển khai 2 dự án thí điểm này, Vinacomin đã khảo sát năng lực hiện có, khả năng đầu tư mở rộng cũng như nhu cầu nguồn hàng tổng hợp của các cảng ở khu vực này sao cho khoảng cách vận chuyển từ nơi khai thác, chế biến bauxit ra cảng là gần nhất. Từ đó thấy rằng cần đầu tư cảng Kê Gà.

Trong quá trình xem xét quy mô dự án, cũng như sự phát triển của các cảng, sự phát triển kinh tế -xã hội của khu vực để tính khối lượng hàng hóa ra vào cảng, Vinacomin đã báo cáo Bộ Công Thương rằng ở thời điểm hiện nay, chưa cần thiết đầu tư vào cảng Kê Gà. Với quy mô dự án bauxite, lộ trình phát triển cảng, đường ở khu vực đó, trước mắt, có thể sử dụng các cảng khác ở vùng lân cận như cảng Gò Dầu, Phú Mỹ. Vì vậy, Vinacomin đề nghị dừng đầu tư cảng Kê Gà. “Theo tôi, đây là quyết định hợp lý”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Khi trình đề xuất này với Bộ Công Thương, Vinacomin cũng nói rõ các lý do về mặt kinh tế, xã hội của quyết định này. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, mọi dự án khi bước vào khâu chuẩn bị đầu tư đều phải mất một phần chi phí, nhưng nếu việc dừng lại có lợi hơn là tiếp tục đầu tư thì phải dừng. Việc này nằm trong quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của Vinacomin.

Đồng thời, khi cân đối khả năng vận chuyển của các cảng khu vực, các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng việc dừng đầu tư cảng Kê Gà không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch vận tải cảng biển nên đồng ý dừng đầu tư cảng này.

Dòng tiền phải đến được doanh nghiệp

Trước lo ngại dư nợ tín dụng trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động tiếp tục diễn ra, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này, nhất là các thành viên liên quan trực tiếp.

Năm 2013, chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát. Trong đó, tăng trưởng tín dụng là một công cụ quan trọng. Dự kiến điều hành của Chính phủ là tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013. Trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng âm, do vậy thời gian còn lại sẽ phải có giải pháp để đạt mục tiêu này.

Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp quyết liệt, bám sát chủ trương trên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không có nghĩa là chia đều cho từng tháng mà theo tình hình thực tế, không dồn vào một thời điểm để tránh lạm phát.

Thực hiện mục tiêu này phải gắn với lộ trình điều chỉnh lãi suất và xử lý nợ để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu cuối cùng là để dòng tiền đến được với doanh nghiệp, để doanh nghiệp đã ngưng hoạt động thì hoạt động trở lại, doanh nghiệp phát triển thì phát triển hơn, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Liên quan đến tình hình nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù chưa có công ty mua bán nợ nhưng bằng công cụ xử lý từ nguồn trích dự phòng của các ngân hàng, nợ xấu đã giảm từ trên 8% xuống còn khoảng 6%. Đây là số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 28/2.

Thận trọng với thông tin liên quan tới lợi ích

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Trong xã hội ngày nay, nhu cầu thông tin của người dân rất cao, nên cách duy nhất để hạn chế tin đồn thất thiệt gây thiệt hại là các cơ quan, tổ chức cần kịp thời cung cấp thông tin chính thức ”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam lưu ý, trước những thông tin chưa phải do các cơ quan chính thống đưa ra mà ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, trước hết là lợi ích của bản thân thì phải thận trọng, cảnh giác. Thông tin loại này ngày sẽ càng nhiều. Nếu vội tin sẽ làm thiệt hại đến mình và cả người khác, sa vào ý đồ không tốt của người tung tin đồn có dụng ý xấu.

Chính phủ luôn yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh trước bất kỳ thông tin gì trên báo chí hay tin đồn cần chủ động cung cấp thông tin chính thức, chính xác.