Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn phòng Chính phủ phải ‘tham mưu đúng, trúng hơn’

PV
Chia sẻ Zalo

Nêu rõ những mục đích khi quyết định lập đoàn kiểm tra Văn phòng Chính phủ (VPCP), những vấn đề mà VPCP cần tiếp tục đổi mới, cải cách, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh VPCP phải tham mưu đúng hơn trong việc Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Như tin đã đưa, ngày 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm trưởng đoàn, đã kiểm tra Văn phòng Chính phủ (VPCP) về việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương; việc cập nhật nhiệm vụ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại VPCP.
Báo cáo của VPCP do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng trình bày đã nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các công việc sẽ triển khai trong thời gian tới.
Các thành viên Tổ công tác yêu cầu VPCP làm rõ thêm một số vấn đề, như giải pháp nào để sắp tới tham mưu “trúng hơn, đúng hơn” cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ; theo dõi như thế nào với các nhiệm vụ hiện theo quy định chưa được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu, các nhiệm vụ hiện đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành…
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu cải cách mạnh mẽ trong tư duy và hoạt động của VPCP. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vì sao kiểm tra VPCP?
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, nói tới việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao thì xuất phát phải từ cơ quan tham mưu là VPCP. Quá trình Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề, VPCP phải cải cách, đổi mới hơn nữa trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành. Ngoài ra, có nhiều vấn đề mà sau khi kiểm tra tại các bộ mới phát hiện ra, như hiện tại các nhiệm vụ được giao tại các văn bản mật chưa được cập nhật trên hệ thống, vẫn phải theo dõi thủ công…
“Do đó, Tổ công tác của Thủ tướng quyết định kiểm tra VPCP, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị”, Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh một số vấn đề mà VPCP cần tiếp tục đổi mới, cải cách.
Trước hết, VPCP phải tham mưu đúng hơn trong việc Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ. Phải tính các điều kiện để bộ, ngành, địa phương thực hiện với thời gian hợp lý, làm sao để bảo đảm cả tiến độ, cả chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của VPCP thừa nhận, trong tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, đôi lúc chưa dự báo được hết khó khăn, các điều kiện cần thiết về nguồn lực, về tính phức tạp của nhiệm vụ, khoảng thời gian giao thực hiện nhiệm vụ chưa hợp lý hoặc giao không rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp… gây vướng mắc trong triển khai thực hiện.
“Trong đó, việc xử lý đúng thẩm quyền là quan trọng nhất. Hiện có tình trạng các bộ ngành, địa phương không thực hiện hết trách nhiệm, né việc, đẩy việc thuộc thẩm quyền của mình lên Chính phủ, lên Thủ tướng. Sau cuộc làm việc với Bộ KHĐT, Thủ tướng có nhắc tới việc dư luận, báo chí phản ánh tình trạng “họp quá nhiều”, điều này cũng liên quan tới việc xử lý công việc theo thẩm quyền. Phải làm rõ điều này để đoàn kiểm tra báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, cải tiến lề lối làm việc, giảm họp. VPCP phải làm quyết liệt việc này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.  
Thứ hai, với vai trò tham mưu, theo dõi, đôn đốc, khi các bộ, ngành, địa phương “nợ” nhiệm vụ thì có nghĩa là VPCP cũng “nợ”, ví dụ thực hiện kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành trình văn bản lên nhưng VPCP chưa xử lý kịp. Bộ trưởng nhấn mạnh, cán bộ VPCP phải làm việc quyết liệt, cần cù, muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động thì VPCP phải gương mẫu làm trước, đặc biệt là rút ngắn thời gian.
“Thời hạn 5 ngày, nhưng nếu đủ bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm, cộng với cần cù, 2 ngày đã xong việc thì phải trả bài ngay. Không bao giờ được phép gọi các doanh nghiệp, địa phương đến nhận kết quả”, Bộ trưởng nêu rõ và yêu cầu cải cách mạnh mẽ trong tư duy và hoạt động của VPCP, không dừng lại ở cải cách quy trình, thủ tục.
Cùng với đó, VPCP phải làm tốt vai trò trung tâm, kết nối để xử lý các vấn đề còn có sự khác biệt về quan điểm giữa các cơ quan. Như trong quá trình xây dựng Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, mặc dù các bên có ý kiến khác nhau, nhưng khi VPCP báo cáo Thủ tướng thì chỉ 5 ngày sau, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh gặp Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, giải quyết được mọi vướng mắc.
Chuyển biến rõ rệt tại VPCP
Sau khi một số vụ và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, các thành viên đoàn như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đều đánh giá rất cao những kết quả mà VPCP đạt được.
“Trong 8 tháng, VPCP đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao 6.973 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, tính sơ bộ không kể ngày nghỉ mỗi ngày là 40 nhiệm vụ. Ít đơn vị nào làm được như vậy”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng đoàn kiểm tra, nhấn mạnh. Như riêng tại Vụ Khoa giáo văn xã, Vụ trưởng Chu Đức Nhuận cho biết từ đầu năm đến nay, Vụ đã tiếp nhận, xử lý tới 5.399 văn bản, nhưng tất cả đều đúng tiến độ, lũy kế tới nay chỉ chậm có 3 văn bản.
Cũng theo đoàn kiểm tra, VPCP đã làm tốt công tác tham mưu, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, với những văn bản thể hiện rõ tinh thần quyết liệt cải cách như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… được ban hành ngay sau khi Chính phủ mới thành lập.
 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng đoàn kiểm tra, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Với sự tham mưu của VPCP, số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng hiện giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong 8 tháng qua, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, trình 116 nghị định, 73 nghị quyết, 32 quyết định quy phạm, 24 chỉ thị, 72 thông báo kết luận… là khối lượng công việc rất lớn.
Đặc biệt, các thành viên đoàn công tác bày tỏ ấn tượng mạnh với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tại VPCP, xử lý toàn bộ hồ sơ công việc qua mạng. Với các tín hiệu màu (xanh là trong hạn, đỏ là quá hạn…), tất cả văn bản, hồ sơ được công khai tình trạng, tiến độ xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hoặc để quá hạn hồ sơ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết Bộ Tư pháp thực sự muốn học hỏi VPCP về lĩnh vực này, đồng thời đánh giá rất cao sự nghiêm túc, gương mẫu, quyết liệt của VPCP trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao. Nhiều bất cập tại chính VPCP được phát hiện sau các cuộc kiểm tra tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính… đã ngay lập tức được sửa đổi. 
“Không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều người dân, doanh nghiệp đánh giá cao những đổi mới tại VPCP, chỉ một việc nhỏ như đưa chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lên đầu phiên họp Chính phủ - trước phần thảo luận về kinh tế-xã hội - đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, xem thể chế là quan trọng hàng đầu”, ông Trần Tiến Dũng chia sẻ. Đồng thời các bộ, ngành cũng khẳng định trong năm 2016, việc phối hợp với VPCP đã chuyển biến rất rõ rệt, phối hợp chặt chẽ, tinh thần cầu thị, thời gian nhanh hơn rất nhiều, VPCP thực sự là tấm gương để các bộ, ngành, địa phương làm theo.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, các thành viên đoàn kiểm tra đề nghị VPCP theo dõi, đôn đốc kiên quyết, sát sao hơn các bộ, ngành, địa phương, có giải pháp cập nhật kịp thời hơn tình hình các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, đề xuất kịp thời khen thưởng những nơi làm tốt, xử lý những đơn vị làm chưa tốt…  
Tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, lãnh đạo VPCP cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai một số công việc như sửa đổi, cải tiến phần mềm theo dõi, đôn đốc, sửa đổi Quy chế 42 cho phù hợp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng chế tài xử lý tình trạng chậm trễ hay vướng mắc… Đồng thời đề nghị Tổ công tác thường xuyên thực hiện việc kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn để bảo đảm tất cả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, chất lượng.