Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn thiếu bộ chỉ số, tiêu chí đồng bộ cho phát triển đô thị xanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh khiến Việt Nam đứng trước bài toán khó về phát triển đô thị với nhiệm vụ hài hòa môi trường sống bền vững.

Theo giới chuyên môn, chiến lược tăng trưởng xanh với mục tiêu “đô thị xanh” được đánh giá là hướng giải quyết có bản sắc và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, từ chiến lược đến hiện thực là một quá trình dài cần nghiên cứu.

"Hiện, ngành xây dựng đang tập trung mục tiêu xây dựng các sản phẩm xanh là các công trình, vật liệu và các TP xanh. Dù vậy, để đạt được mục đích phải bắt đầu từ quy hoạch đô thị xanh, đây là hướng quy hoạch mới theo nhiều phương pháp tiếp cận phức tạp, do đó rất cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm” - PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan nhận định.

Thiếu bộ chỉ số

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, phát triển đô thị xanh là một trong những mục tiêu được Chính phủ lựa chọn để hướng tới trong xây dựng đô thị phát triển bền vững. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện mục tiêu đã đặt ra như: Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020… Trong các khung chính sách và chiến lược cấp quốc gia, lĩnh vực quy hoạch đô thị được dành ưu tiên cao nhằm tạo ra những công cụ kiểm soát quản lý phát triển đô thị hiệu quả. Nhận thức về lợi ích phát triển đô thị xanh được các cơ quan quản lý, nhà tư vấn và cộng đồng dân cư quan tâm thông qua xây dựng cấu trúc đô thị có nhiều không gian xanh, hài hòa các hệ sinh thái nhân tạo và hệ sinh thái tự nhiên; tạo ra môi trường sống tốt cho người dân.
Đô thị xanh được kết hợp hài hòa giữa cây xanh và hồ nước. Ảnh: Xuân Chính
Đô thị xanh được kết hợp hài hòa giữa cây xanh và hồ nước. Ảnh: Xuân Chính
Không phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc “phủ xanh” đô thị nhưng thực tế khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Thậm chí nhiều người hiểu phiến diện đô thị xanh chỉ là công viên, cây xanh, mặt nước. Khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở Hà Nội được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể được gọi là đô thị xanh.

“Cho  đến nay, tại Việt Nam chưa xây dựng được bộ chỉ số và tiêu chí đồng bộ về đô thị xanh. Do đó, để xây dựng và phát triển thành công đô thị xanh tại Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng một mô hình đô thị xanh kiểu mẫu phù hợp. Hướng tới nhiệm vụ này, hệ thống khung pháp lý cần được bổ sung, hoàn thiện về quy hoạch đô thị xanh một cách đồng bộ với đầy đủ bộ chỉ số đánh giá, lồng ghép tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng và công trình kiến trúc xanh…” - bà Linh nhấn mạnh.

… Để định hình nhận thức

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan cho rằng việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng xanh còn nhiều khó khăn là bởi 3 vấn đề. Thứ nhất chưa có sự đồng thuận về nhận thức. Sự nhận thức phải thông qua các bộ chỉ số hoặc định nghĩa được thống nhất quan điểm. Nếu mỗi người hiểu một cách khác nhau thì không thể hiện thực hóa đô thị xanh đồng bộ. Cho nên cần định hình khung thể chế để tất cả các đô thị có đích đến với những mô hình hợp lý. Điểm quan trọng thứ hai là phương pháp lập quy hoạch cần đồng bộ. Vấn đề này đòi hỏi sự đổi mới từ người nghiên cứu đến người ra quyết định. Cuối cùng, phải lưu ý điều kiện về phát triển mỗi TP, vùng miền là khác nhau nên khung thể chế đưa ra cứng nhắc sẽ không hiệu quả. Phải thống nhất đối với những TP lâu đời không còn đất để phát triển hệ thống cây xanh nữa thì đổi mới công nghệ như thế nào? Còn các TP trẻ có nhiều điều kiện mở mang không gian thì dạng thức thích hợp ra sao? Hiện, có nhiều nhà đầu tư cũng hướng tới khu đô thị xanh, là một hình thức tiếp cận tốt nhưng chưa phải đồng bộ, đầy đủ.

Về việc hỗ trợ xây dựng Bộ chỉ tiêu đô thị xanh tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết: “Phương hướng của chúng tôi là xem xét bổ sung các vấn đề trong nước và vấn đề quốc tế dựa trên các yếu tố cấu thành của đô thị xanh. Trong mỗi vấn đề, đề xuất các chỉ tiêu tiêu biểu thông qua phương pháp Text Mining và Network Analysis để phát triển chỉ tiêu về vấn đề đô thị xanh tại Việt Nam. Những chỉ tiêu đã được phát triển sẽ được áp dụng trong phát triển thuật toán cho mỗi module khi xây dựng mô hình đô thị”.

PGS.TS.KTS Lưu Đức Minh chia sẻ: “Bộ xây dựng đang tập trung nghiên cứu Bộ chỉ số và may mắn thời gian này có sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Hy vọng trong năm tới có kết quả và có thể ban hành Bộ chỉ số để hỗ trợ các địa phương tham khảo và hướng tới và phát triển TP xanh”.