Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn tranh luận về “thu hồi” và “định giá” đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 mặc dù đã có những đóng góp quan trọng trong việc quản lý Nhà nước về đất đai nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, dù để triển khai bộ luật này các cấp, ngành, địa phương đã phải ban hành tới hơn 200 văn bản hướng dẫn (13 Nghị định), nhưng vẫn chưa làm rõ được cơ chế đại diện quyền sở hữu và phòng ngừa tình trạng tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội lần này là đòi hỏi cấp thiết để góp phần ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 mặc dù đã có những đóng góp quan trọng trong việc quản lý Nhà nước về đất đai nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, dù để triển khai bộ luật này các cấp, ngành, địa phương đã phải ban hành tới hơn 200 văn bản hướng dẫn (13 Nghị định), nhưng vẫn chưa làm rõ được cơ chế đại diện quyền sở hữu và phòng ngừa tình trạng tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội lần này là đòi hỏi cấp thiết để góp phần ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù GPMB còn nhiều điểm chưa hợp lý.   Trong ảnh: Thi công đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.      Ảnh: Hải Linh
Nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù GPMB còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong ảnh: Thi công đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Hải Linh
 
Thu hồi đất hay thu hồi quyền sử dụng đất

Mục tiêu đặt ra của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là phải tháo được "điểm nghẽn" để khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, mặc dù đã trình tại 3 Kỳ họp (4, 5, 6) của Quốc hội Khóa XIII, chưa kể tới hàng trăm hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý của nhân dân, các chuyên gia... nhưng Dự thảo luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định thu hồi đất, cơ chế thu hồi và giá đất.

Với quan điểm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân, nhiều ý kiến cho rằng, không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội mà nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất đối với các dự án này. Đặt vấn đề làm rõ các khái niệm đất lưu không, thu hồi đất, thu hồi quyền sử dụng đất, đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, thu hồi đất và thu hồi quyền sử dụng đất là 2 khái niệm khác nhau, 2 đối tượng chịu sự điều chỉnh khác nhau. Mỗi hình thức thu hồi sẽ có chính sách khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Vì vậy, cần có quy định riêng về thu hồi đất và thu hồi quyền sử dụng đất. 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng đề nghị, với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên quy định thành một điều riêng để tránh sự tùy tiện trong cơ chế áp dụng thu hồi đất. Bởi nếu vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của Dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải.

Giá thị trường khác giá Nhà nước công bố

Luật Đất đai (sửa đổi) đã sắp đến ngày "ấn nút" để thông qua, nhưng tranh luận về khái niệm "giá thị trường" vẫn chưa đi đến thống nhất để làm cơ sở hoạch định giá đất đền bù, hỗ trợ trong GPMB. Có ý kiến cho rằng, tính theo giá thị trường phải để thị trường quyết định và đó là giá được xác định khi đấu giá chứ không phải giá đất Nhà nước công bố hàng năm. Giá đất xác định từ đấu giá là giá minh bạch và sẽ hạn chế chuyện so đo giữa người dân, các vùng giáp ranh về giá đền bù. Trong quá trình đấu giá, đại diện người dân được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá, hướng làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, đền bù GPMB mà đa phần do chưa hài lòng về giá đền bù. Hơn nữa, đã là đất kinh doanh thương mại là phải đấu giá chứ không phải giao đất. Bởi nếu thực hiện cơ chế giao đất thì không còn minh bạch, dẫn đến tham nhũng, khiếu kiện, tố cáo. Luật sửa đổi phải quy định Nhà nước làm quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng sạch, tổ chức đấu giá minh bạch, giá trị tăng thêm, sau đấu giá sẽ được phân chia cho người dân là bao nhiêu cần quy định rõ hoặc áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai.

Trước những ý kiến còn khác nhau, Quốc hội đã bố trí thêm nửa ngày (chiều 22/11) so với dự kiến ban đầu để các đại biểu tiếp tục cho ý kiến, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo luật. Đây là sự thận trọng, khách quan và trách nhiệm, bởi Luật Đất đai thực sự có vai trò, ý nghĩa và tác động rất lớn đối với đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Với việc tăng thêm thời gian thảo luận để huy động trí tuệ của đại biểu, tháo gỡ những điểm nghẽn, những nguyên nhân gây khiếu kiện đất đai, bất ổn trong xã hội thời gian qua, không chỉ nhằm xóa bỏ sự khác biệt mà còn tạo sự đồng thuận, tự tin để Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng ngày 29/11 này.