Trong khi thị trường vàng miếng đang bị siết chặt thì những quy định lỏng lẻo trong sản xuất và kinh doanh vàng trang sức đang khiến thị trường này trở thành một mảnh đất màu mỡ cho vàng lậu.
Buôn lậu vàng vẫn nóng
Ngày 6/12, Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Cục Điều tra phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã thu giữ hơn 2kg vàng vận chuyển trái phép từ Hongkông (Trung Quốc) về Việt Nam. Khi kiểm tra hành lý của hành khách, cán bộ hải quan đã phát hiện toàn bộ số vàng này được cất giấu trong 4 gói có tổng trọng lượng 2,25kg. Nếu vận chuyển trót lọt, các đối tượng sẽ hưởng lợi ít nhất là 250 triệu đồng.
Vàng lậu được tuồn vào trong nước để “biến” thành vàng trang sức. Ảnh: Trần Việt
|
Trước đó, đầu tháng 7, lực lượng Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) đã phát hiện dưới ghế ngồi của xe ô tô mang BKS Lào có 1 gói nilon chứa 4 miếng kim loại màu vàng, trọng lượng 4kg. Qua kiểm tra, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận, 4kg kim loại màu vàng này là vàng 4 số 9 được nhập lậu. Nguyên nhân của tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp hiện nay do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Theo cách tính toán của ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu chênh lệch chỉ ở mức 1 triệu đồng/lượng thì chỉ cần vận chuyển được một miếng vàng bằng bao thuốc lá, lợi nhuận đã lên đến 30 triệu đồng. "Tuy nhiên, hiện mức chênh lệch này hiện lên đến 4 triệu đồng/lượng thì không biết lợi nhuận còn lớn đến thế nào!"- ông Trúc nói.
Vàng lậu “chảy” vào vàng trang sức?
Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý thị trường vàng của Chính phủ đã từng bước thu hẹp thị trường vàng miếng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi thị trường vàng miếng bị siết chặt thì các quy định về nguồn vàng trang sức lại còn bỏ ngỏ. Bởi vậy, nhiều ý kiến lo ngại về việc thị trường vàng trang sức sẽ là "đích nhắm" của những kẻ buôn lậu.
Mới đây, Bộ KH&CN ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Trước đó, NHNN cũng ban hành nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, những văn bản này đều chưa có quy định nào về việc yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc vàng nguyên liệu, do đó chưa chặn được hiện tượng "rửa" vàng lậu thông qua thị trường trang sức.Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức cho rằng, để đủ nguyên liệu sản xuất, họ phải lập hệ thống đại lý thu mua vàng nguyên liệu từ nhiều tỉnh trong cả nước. "Các doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu, họ chỉ có thể cân đo tuổi vàng, không thể xác định hay truy nguyên nguồn gốc vàng" - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Nguyễn Thanh Trúc nói.
Để hạn chế tình trạng vàng nhập lậu, nhiều chuyên gia hiến kế, khi thu mua vàng nguyên liệu có thể là vàng vô danh, nhưng khi sản xuất ra, những doanh nghiệp này cũng cần phải định danh cho sản phẩm của mình theo một tiêu chuẩn chung của NHNN, tức phải có sê ri, ký hiệu để NHNN kiểm soát…
Tuy nhiên, cách chống vàng lậu mang tính cơ bản, lâu dài hiệu quả vẫn là đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Khi lợi nhuận của việc nhập lậu không còn, tình trạng vàng lậu tuồn về Việt Nam sẽ không còn "nóng" như hiện nay.