Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng, ngoại tệ cũng nên được bảo hiểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sắp được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn (ảnh trên), Dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn và làm rõ hơn.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tuấn xung quanh vấn đề này.

- Nhiều ý kiến cho rằng, tính độc lập của cơ quan BHTG được quy định trong Dự thảo Luật lần này chưa rõ ràng, ông có ý kiến gì về điều này?

Theo thông lệ quốc tế, BHTG là một thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia và BHTG. Tuy nhiên, trong Dự thảo này, tính độc lập của cơ quan BHTG chưa cao.

Bởi vậy, Dự thảo Luật nên quy định rõ hơn chức năng của bảo hiểm tiền gửi để cơ quan này là một định chế tài chính có tính độc lập tương đối. Điều này sẽ giúp cho hệ thống an toàn tài chính quốc gia được tốt hơn.

Ví dụ, về công tác giám sát của tổ chức BHTG, cơ quan này không có chức năng thanh tra, kiểm tra hay giám sát để tránh chồng chéo với chức năng giám sát chuyên ngành của NHNN là đúng với luật hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, Dự thảo Luật BHTG cần quy định rõ BHTG có chức năng giám sát từ xa. Đây là việc giám sát mang tính an toàn, tính toán và đề phòng rủi ro về khả năng thanh toán của tổ chức nhận tiền gửi trên cơ sở các báo cáo tài chính - kế toán - kiểm toán định kỳ và theo những mẫu biểu quy định.

Để thực hiện chức năng giám sát từ xa thì Luật cũng cần quy định tổ chức BHTG được nhận các tài liệu nói trên của các tổ chức nhận gửi tiền bên cạnh việc nhận thêm các thông tin khác từ NHNN, Bộ Tài chính và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

- Hiện, cơ quan BHTG trên thế giới có 3 phương thức xử lý trong trường hợp ngân hàng gặp khó khăn là chi trả, chi trả mở rộng và BHTG. Trong đó BHTG là một cơ quan độc lập, tự xử lý các vấn đề. Theo ông, cơ quan BHTG Việt Nam nên hoạt động theo phương thức nào?

Phương thức chi trả là hoạt động đơn giản nhất, nghĩa là khi xảy ra sự cố, BHTG đại diện cho NHNN chi trả lượng tiền bảo hiểm.

Thời gian gần đây hầu hết chuyển sang hình thức thứ hai là chi trả mở rộng. Nghĩa là BHTG có một số chức năng thẩm định, đề xuất mức, xác định phí trên cơ sở rủi ro và thanh toán. Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện chức năng chi trả mở rộng, còn mở rộng đến đâu thì tùy vào điều kiện của mỗi nước.

Dự thảo Luật BHTG dự kiến áp dụng phương thức "chi trả với quyền hạn mở rộng" cho BHTG Việt Nam. Tuy nhiên, trong Dự thảo lại chưa cụ thể hóa được điều này, ví dụ, mở rộng ở lĩnh vực nào và đến mức nào…

- Trong Dự thảo Luật BHTG có nội dung, vàng, ngoại tệ không được BHTG. Hiện, đang có nhiều dư luận trái chiều về vấn đề này? Ý kiến của ông thế nào?

Quan điểm của Ban soạn thảo là điều này để chống tình trạng vàng hóa, ngoại tệ hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là ngoài VND, chúng ta nên bảo hiểm cả các loại tiền tệ khác. Vì sao? Vì BHTG có chức năng bảo hiểm cho tất cả mọi người gửi tiền. Người dân tin tưởng hệ thống ngân hàng, họ mới gửi. Vì thế họ có quyền được BHTG. Thứ hai là việc chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế cần nhiều biện pháp đồng bộ chứ mỗi việc không bảo hiểm vàng, ngoại tệ thì chưa đủ để giải quyết vấn đề.

Trước mắt, chúng ta vẫn nên BHTG cả vàng, ngoại tệ để huy động tối đa các nguồn lực.

- Xin cảm ơn ông!