Giá vàng liên tục giảm
Trong hơn 10 năm (từ 2001 đến 2011), giá vàng đã tăng rất cao, gần như phi mã, trong thời gian khá dài (lúc đỉnh điểm trên thế giới đã vượt qua mốc 1.900 USD/ounce, ở trong nước đã có thời điểm lên tới 49 triệu đồng/lượng. Từ năm 2012 đến 2015, giá vàng giảm nhẹ gần như liên tục trong 4 năm liền (trên thế giới đã giảm xuống còn dưới mốc 1.200 USD/ounce, ở trong nước giảm xuống còn dưới 36 triệu đồng/lượng). Năm 2016, 2017 giá vàng đã tăng cao trở lại, nhưng trên thị trường thế giới vẫn ở mức trên dưới 1.300 USD/ounce, ở trong nước dao động quanh mức trên dưới 36,5 triệu đồng/lượng. Và đến năm 2018, giá vàng giảm 0,41%.
Bước vào năm 2019, giá vàng đã được nhiều người dự báo là sẽ tăng cao, nhưng thực tế diễn biến đã có sự khác biệt lớn so với dự báo. Trong 5 tháng đầu năm, chỉ có 2 tháng đầu tăng tương đối cao, còn 3 tháng sau giảm liên tục với tốc độ không nhỏ, trong khi giá tiêu dùng chỉ có tháng 3 giảm, tháng 4, tháng 5 đều tăng. Điều đó chứng tỏ giá vàng 3 tháng nay đều đuối hơn cả giá tiêu dùng. Nếu xét tốc độ tăng giá vàng của các tháng so với tháng 12/2018, thì tháng 1 tăng 2,25%, tháng 2 tăng 3,81%, tháng 3 tăng 3,30%, tháng 4 tăng 2,78%, tháng 5 tăng 2,27%, thấp hơn cả tốc độ tăng tương ứng của giá tiêu dùng. Nếu xét tốc độ tăng, giảm bình quân thì trừ tháng 1, còn các kỳ tiếp theo đã giảm liên tục (2 tháng giảm 0,02%, 3 tháng giảm 0,11%, 4 tháng giảm 0,04%, 5 tháng giảm 0,42%). Trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân tương ứng tăng lên.
Như vậy, dù xét dưới góc độ nào, giá vàng trong 5 tháng qua đều tăng thấp hơn, thậm chí còn ngược chiều với giá tiêu dùng. Đây là một điều rất khác với dự đoán trước đây.
Các tháng tới vàng sẽ tăng giá?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới giá vàng sẽ khác với diễn biến trong 5 tháng đầu năm, thậm chí sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới. Dự đoán và cảnh báo này xuất phát từ nhiều căn cứ. Trước hết là tốc độ tăng của giá vàng trong nước, chỉ trong 2 ngày 3 và 4/6 đã tăng khoảng 600.000 đồng/lượng và hiện đã vượt qua mốc 37,21 triệu đồng/lượng. Nếu so với thời điểm trước ngày 21/5 (là ngày chốt giá vàng trong tháng 5 theo quy định) trong quy trình thời gian tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng ngày 4/6 đã tăng khoảng 1,6% và cao nhất tính từ 27/2.
Giá vàng trong nước tăng chủ yếu do giá vàng trên thị trường thế giới tăng. Ngày 4/6, giá vàng trên thị trường thế giới đạt 1325,8 USD/ounce và cũng là mức cao nhất tính từ 27/2 và cao hơn 1,5% so với cuối năm trước, nguyên nhân là do giá USD giảm. Chỉ số USD so với các đồng tiền chủ chốt đã giảm tương đối nhanh từ 98,2 điểm trong tuần trước xuống còn 97,2 điểm cách đây vài hôm và hiện còn 96,2 điểm. Giá USD giảm chủ yếu do sự lo ngại rủi ro về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc do dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Tuần qua, thị trường vàng thế giới chuyển mình mạnh mẽ lên 1.346,10 USD/ounce. Giá vàng trong nước theo đó cũng đã tăng gần 800.000/lượng – ghi nhận tuần giao dịch ấn tượng nhất trong 3 tháng qua. Trong tuần, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 37 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,22 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ giao dịch của giá vàng cũng khá lớn khi có thời điểm tăng gần 300.000 đồng/lượng.Thị trường vàng thế giới ghi nhận mạch tăng tốt nhất trong hơn một năm rưỡi qua khi có 8 phiên đi lên liên tục. Giá vàng tăng 2,7% trong tuần qua, mức tăng tính theo tuần mạnh nhất tính từ ngày 23/3/2018. “Việc nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu có thể khiến giới đầu tư phân bổ tài sản vào vàng và đó sẽ là yếu tố chính thúc đẩy giá kim loại lên 1.350/ounce trong trung hạn”- nhiều chuyên gia phân tích của sàn vàng Kico nhận định. Thảo Nguyên |