Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng tăng sức hấp dẫn với các ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc cho phép ngân hàng được bán vàng huy động và mở tài khoản đầu tư vàng nước ngoài đã khiến sức hấp dẫn của vàng đối với các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng, lãi suất huy động kim loại quí này cũng rục rịch đi lên.

Theo một số chuyên gia kinh tế, đây là phản ứng bình thường của thị trường.

Lãi suất huy động vàng tăng

Đầu tháng 10/2011, lãi suất huy động vàng đã được các ngân hàng đẩy lên cao. Từ 1/10, lãi suất huy động vàng tại ACB tăng lên 0,85% đối với kỳ hạn một tháng, 1,3%/năm với 1 tháng so với mức 0,75% một năm giữa tháng 9. Sacombank cũng tăng lãi suất cao nhất lên tới 2,5% một năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng kể từ ngày 30/9.

Không chỉ các ngân hàng lớn, khối ngân hàng nhỏ cũng áp lãi suất huy động vàng ở mức khá cao. Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa cao nhất 2,2%/năm, Ngân hàng Phương Nam là 1,5% một năm.

Theo một số chuyên gia kinh tế thì việc lãi suất huy động vàng âm ỉ tăng, đặc biệt sau khi NHNN Việt Nam cho phép 5 ngân hàng được bán vàng huy động là phản ứng bình thường của thị trường. "Việc cho phép 5 ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng ra thị trường; đồng thời cho các đơn vị này mở tài khoản đầu tư vàng nước ngoài đã khiến các ngân hàng điều chỉnh hoặc có kế hoạch điều chỉnh lãi suất. Một khi vàng đã là một loại tiền tệ thì việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất và lãi suất tăng đến mức nào và ở mức độ như thế nào phụ thuộc vào mối tương quan giữa vàng - ngoại tệ và VND"- chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết.

Cũng theo ông Ánh, một số ngân hàng không nằm trong danh sách bán vàng huy động cũng có thể lên kế hoạch tăng lãi suất huy động vàng cũng không có gì là khó hiểu bởi sự liên thông giữa các định chế tài chính trên thị trường.

Chờ thêm các giải pháp mới

Không bình luận về các giải pháp mà NHNN đưa ra, tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để thị trường vàng "đi vào nền nếp" thực sự thì cần chờ thêm các giải pháp mới mà NHNN có thể đưa ra thời gian tới. "Để tổ chức, sắp xếp, quản lý lại thị trường vàng cần một chương trình tổng thể, bài bản chứ không thể vội vàng được".

Ngày 10/10, Thông tư 33/2011/TT-NHNN có hiệu lực. Theo đó, các TCTD cho vay đối với các khoản được đảm bảo bằng vàng thì hệ số rủi ro là 250%; các nhu cầu vốn không được cho vay bao gồm nhu cầu vay vốn để mua vàng có hiệu lực.

Liên quan đến chỉ thị số 7816/NHNN-CSTT về việc cho vay cầm cố, thế chấp bằng vàng, sau khi phát đi thông tin về việc khai trương cửa hàng cho vay cầm cố vàng cuối tuần qua, ngay trong đầu giờ sáng, ngân hàng Hàng hải đã phát thông cáo dừng đăng tin này.

 

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh,  việc NHNN cần phải có một đầu mối sản xuất và lưu thông vàng miếng để có thể kiểm soát thị trường khi cần thiết. "Hiện nay, NHNN chỉ cấp hạn ngạch nhập vàng cho DN. Còn tiền để nhập vàng về lại của các DN kinh doanh vàng bạc. Thế nên, nhập bằng cách nào, bán ra thế nào là quyền của DN, NHNN không "hô" được. Nếu NHNN có đầu mối sản xuất, lưu thông, dự trữ thì sẽ có quyền yêu cầu DN bán kiểu gì, với giá nào để bình ổn thị trường"- ông Kiêm nói. Theo ông Kiêm, một thời gian, chúng ta hướng vào thị trường nhiều quá. Nhưng thực tế, thị trường vàng Việt Nam hiện không thể thiếu bàn tay điều tiết của Nhà nước. Các yếu tố khác như cần phải tạo "bình thông nhau" bằng cơ chế xuất nhập nhanh chóng, rõ ràng; phải tăng cường thanh, kiểm tra chống đầu cơ, buôn lậu cũng được ông Kiêm đưa ra.