Mở cửa ngày 22/4, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 41,71-42,09 triệu đồng, tăng mạnh 210.000 đồng chiều thu gom, trong khi bán ra chỉ tăng 90.000 đồng so với cuối tuần trước.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá mua bán quanh 41,70-42,10 triệu đồng. Biên độ mua bán được duy trì 400.000 đồng.
Tại Hà Nội, Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý cho biết lúc 8h50, giá mua - bán vàng SJC tại đây lần lượt ở 41,70-42,10 triệu đồng. So với cuối tuần, giá tăng 200.000 đồng mua vào, bán ra.
Sáng nay, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết chiều mua vào là 39,6 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 40 triệu đồng/lượng. So với SJC thì thương hiệu này đang thấp hơn 2,1 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo giới kinh doanh vàng, lực mua vàng của người dân cũng dần chững lại khi giá vàng trở về “vạch xuất phát” của đợt giảm giá. Trong tuần trước, khi giá vàng liên tục giảm sâu, người dân đã tranh thủ đi mua vàng tích trữ, bất chấp giá vàng trong nước vênh xa so với giá thế giới.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua trang Kitco.com đang có biên độ tăng tới 12 USD, lên mức 1.418,5 USD/ounce.
Còn chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng giao ngay trên Kitco tăng 14,4 USD, lên mức 1.406,5 USD/ounce. Trên sàn kỳ hạn Comex, giá vàng giao tháng 6 tăng nhẹ 0,2%, lên 1.395,6 USD/ounce. Trước đó, giá vàng chạm mốc 1.424,7 USD/ounce, tăng 7,8% so với mức giá thấp nhất 2 năm ghi nhận hôm 16/4.
Ở mức giá này, sau khi quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank là 20.920 đồng/USD thì giá vàng thế giới tương đương 35,85 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC trong nước khoảng 6,3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 22/4 là 20.828 đồng/USD, không đổi so với phiên trước. Trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 21.036 đồng/USD.
Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lớn sáng nay cao nhất là 20.950 đồng và mua vào từ 20.880-20.930 đồng/USD.