Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vay tiêu dùng lãi 0% kèm... bẫy!

theo PLO
Chia sẻ Zalo

Đòn tâm lý của một số công ty tài chính, tổ chức tín dụng tung ra đã dụ dỗ được khá nhiều người vay.

Tại hội thảo về thực trạng và giải pháp vay tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức, các đại biểu đã nêu ra khá nhiều chiêu của các công ty cho vay tiêu dùng để dụ khách hàng sập bẫy khiến khiếu nại trong lĩnh vực này gia tăng.

Nói một đường, hợp đồng một nẻo

Ông Phan Thế Thắng, phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết đa số người khiếu nại về vay tiêu dùng thời gian gần đây là người có tuổi. Nội dung khiếu nại chủ yếu là về lãi suất vay. Trong đó người tiêu dùng phản ánh họ được nhân viên của bên cho vay tư vấn mức lãi suất vay rất thấp nhưng đến khi phát hiện thì hợp đồng có lãi rất cao, có khi lên đến 60%-70%/năm, thậm chí cao hơn.
Khách hàng nên xem kỹ hợp đồng trước khi quyết định vay tiêu dùng.
Khách hàng nên xem kỹ hợp đồng trước khi quyết định vay tiêu dùng
Nhân viên tư vấn nói một đàng nhưng hợp đồng một nẻo. Cụ thể, để đưa khách hàng vào bẫy lãi suất cao, một số công ty tài chính có những hợp đồng in sẵn với những điều khoản có lợi cho bên cho vay và bỏ trống hoặc viết mập mờ mức lãi suất cho vay. Hợp đồng chính thức thường gửi đến cho người tiêu dùng sau ba ngày. Nhiều người đã không để ý đọc lại hợp đồng, đóng tiền vài tháng mới phát hiện và phải ngậm quả đắng.

“Thậm chí có trường hợp nhân viên tư vấn giới thiệu vay với lãi suất 0%. Mức lãi suất này là có thật nhưng phải xem kỹ điều khoản kèm theo. Bởi mức lãi vay 0% chỉ áp dụng cho sáu tháng đầu, còn từ tháng thứ bảy trở đi là bẫy lãi suất” - ông Thắng cảnh báo.

“Bẫy” ở chỗ số lãi từ tháng thứ bảy trở đi được tính trên số tiền gì thì người tiêu dùng không hỏi cho rõ. Hóa ra lãi này tính trên tổng số tiền vay từ tháng thứ nhất chứ không tính trên dư nợ giảm dần (số tiền thực tế còn nợ), nên thực tế là lãi rất cao.

Ví dụ người tiêu dùng mua điện thoại giá 18 triệu đồng, phải trả trước 50% tương đương 9 triệu đồng rồi mới được vay tiêu dùng để trả nốt phần 9 triệu đồng còn lại trong 12 tháng, lãi suất 2%/tháng. Trong sáu tháng đầu, lãi suất 0%, đã trả được 4,5 triệu đồng. Nhưng từ tháng thứ bảy trở đi phải trả lãi 2%/tháng trên đúng 9 triệu đồng trong khi thực nợ chỉ còn có 4,5 triệu đồng.

“Có những trường hợp vay tiêu dùng để mua tủ lạnh 10 triệu đồng, song tổng cộng phải trả lên đến 17-18 triệu đồng” - ông Thắng kể.

Mập mờ lãi suất

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, kể đã có nhiều trường hợp đến hội phản ánh vay tiêu dùng với lãi cắt cổ.

“Mua xe máy giá 30 triệu đồng, trả ngay 10 triệu đồng và còn 20 triệu đồng vay tiêu dùng. Tuy chỉ vay 20 triệu đồng nhưng lãi suất ghi chung là 2%-3%-4%/tháng (24%-48%/năm trong khi lãi suất cơ bản khoảng 9%/năm). Bên cho vay không ghi rõ ràng lãi này tính trên số tiền nào. Khi khách hàng đóng tiền hằng tháng, cộng lại thì tổng số tiền mua chiếc xe lên đến 50 triệu đồng. Hóa ra tiền lãi hằng tháng luôn tính trên số vay gốc 20 triệu đồng ban đầu”.

Bà Thu cho biết có lúc rất nhiều người trong một phường, một xã kéo nhau đến hội vì cùng vay tiêu dùng của một công ty nước ngoài. Vay xong, chậm trả nợ, bị gọi điện thoại tới tấp đòi nợ, đe dọa kiểu giang hồ, xã hội đen. Hội liên hệ thì biết công ty cho vay nhờ một bên khác đòi nợ.

Muôn kiểu phạt

Ông Thắng nhận xét rằng lãi suất cho vay trong một số trường hợp không quá cao hay quá sốc. Cao và sốc chính là ở mức phạt.

“Có muôn kiểu phạt. Ví dụ phạt mềm là phạt tính theo lãi suất từng ngày. Tức cứ trễ nộp tiền ngày nào thì tính lãi ngày đấy, thường là 150% lãi cho vay. Không chỉ vậy, ngày thứ hai mà trễ thì tính luôn cả số nợ do trễ ngày thứ nhất dồn lại, nghĩa là lãi mẹ đẻ lãi con. Người tiêu dùng thấy tiền phạt cao quá, đóng không nổi, khiếu nại” - ông Thắng dẫn chứng.

Đó là chưa kể các kiểu phạt khác như phạt thanh lý sớm hợp đồng, tiền mua bảo hiểm cho khoản vay, tiền môi giới, tiền đăng ký... Thường thì người tiêu dùng không để ý đến những khoản phạt này.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết trước đây các công ty cho vay tiêu dùng thường ghi mức lãi suất chung chung. Sau này, Cục yêu cầu bên cho vay phải có một bảng phụ lục ghi rõ các khoản tiền cụ thể mà người tiêu dùng phải trả, từng kỳ trả nợ và ghi rõ con số tổng cộng tiền mà người tiêu dùng phải trả. Do vậy, người vay cần chú ý điều này để không sập bẫy.
Đòn tâm lý hạ gục người vay

Nhiều khách hàng vay, nhất là vay mua nhà, thường bị bên cho vay thúc ép đại loại như “anh chị ký hợp đồng nhanh đi, nhiều người đang xếp hàng giành mua, không nhanh là mất suất đó”; “căn hộ này đang sốt, chỉ còn có vài căn nữa thôi”...

Đòn tâm lý này hạ gục khá nhiều người. Bởi nó khiến không ít người vội vàng ký hợp đồng mà không đọc kỹ. Thậm chí có người dù đọc kỹ và cảm thấy băn khoăn nhưng nghĩ biết bao nhiêu người khác cũng mua, cũng ký, thôi mình cũng ký.

Trong khi đó các công ty cho vay thì bất chấp. Theo quy định, bên cho vay phải đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan chức năng nhưng nếu không đăng ký thì chỉ bị phạt 100-200 triệu đồng. Số tiền này không lớn so với lợi nhuận thu được, cho nên họ không thèm đăng ký hợp đồng mẫu.

TS PHAN THẾ CÔNG, khoa Kinh tế và Luật 

ĐH Thương mại Hà Nội

Những nội dung cần cảnh giác trong hợp đồng

Nếu trong hợp đồng có những quy định sau thì người tiêu dùng phải cân nhắc, yêu cầu loại bỏ vì vi phạm pháp luật và không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Các loại phí theo quy định của bên cho vay công bố trong từng thời kỳ; lãi suất sẽ được điều chỉnh và thông báo định kỳ ba tháng/lần; bên cho vay có quyền thay đổi nội dung hợp đồng; khách hàng cam kết không có bất cứ khiếu nại, khiếu kiện gì.

Trước khi đặt bút ký vào các hợp đồng, người vay nên yêu cầu nhân viên cung cấp mẫu hợp đồng đã hoàn thành thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý và đề nghị nhân viên giải thích các nội dung của hợp đồng. Bên cạnh đó người tiêu dùng có thể liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 hoặc Sở Công Thương tại các tỉnh, thành) để được tư vấn, hỗ trợ kiến thức liên quan.

Cục Quản lý cạnh tranh