Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về Bản Mường Ba Vì đón Tết

Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi độ xuân về, khi những những cánh đào rừng bung nở khoe sắc trên khắp các triền núi thì cũng là lúc đồng bào các dân tộc miền núi huyện Ba Vì tạm gác lại công việc nương rẫy, nô nức chuẩn bị đón ngày tết lớn nhất của năm. Trên khắp các bản làng, nơi đâu cũng nhộn nhịp, rộn ràng niềm vui đón chào xuân mới.

Về với xã Ba Trại, Ba Vì nhìn những ngôi nhà kiên cố khang trang, những con đường bê tông thẳng tắp khiến chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một xã miền núi nghèo. Dọc hai bên đường, những rừng cây nằm đan xen với các đồi chè xanh mướt tạo nên một không gian yên bình, gần gũi như chính nếp sống, thói quen sinh hoạt của đồng bào Mường nơi đây. Những ngày giáp tết, người người, nhà nhà đang tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, gói bánh, mổ lợn để ăn tết.
 Đường giao thông nông thôn ở Ba Trại đã được bê tông hóa thuận lợi cho phát triển kinh tế của đồng bào mường 
Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Tháng 12/2017, Ba Trại đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2018 UBND xã tiếp tục chỉ đạo các khu dân cư, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện đề án, quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 bằng nhiều hình thức nhằm duy trì, từng bước nâng cấp các tiêu chí đã đạt chuẩn để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, tổng giá trị thu nhập toàn xã ước đạt 622  tỷ đồng, đạt 101,95% kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản đạt 240 tỷ đồng. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện; bình quân thu nhập đạt 41,7 triệu đồng/người/năm.Diện mạo quê hương ngày một đổi mới, đời sống người dân ngày càng no ấm, đủ đầy. Có lẽ bởi thế mà sắc xuân ở Ba Trại năm nay như tươi mới, rực rỡ hơn.

Theo ông Bạch Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại: “Cũng giống như người Kinh, đối với người Mường thì Tết Nguyên đán là cái tết quan trọng nhất trong năm, chính bởi vậy mà bà con chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền rất kỹ lưỡng, chu đáo. Dù có khó khăn, thiếu thốn đến đâu thì năm hết, tết đến các gia đình vẫn phải lo bằng được chục cân gạo nếp gói bánh chưng và vài cân thịt lợn, đôi con gà trống… để thắp hương tổ tiên. Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là một năm ăn nên làm ra. Khách đến nhà chúc tết đều được mời một chén rượu xuân để thể hiện sự quý trọng và gần gũi..”.

Rời Ba Trại, chúng tôi tiếp tục hành trình tới xã miền núi Khánh Thượng, xã miền núi xa nhất của Thủ đô Hà Nội có 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Mường.
Về xã Khánh Thượng vào những ngày cuối năm, cảm nhận đầu tiên đối với cảnh vật nơi đây chính là không khí náo nức, nhộn nhịp, tươi vui trên khắp các bản làng, ngõ xóm. Những khóm hoa đào, hoa cúc khoe sắc trong gió xuân trước thềm những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi như đang nói thay cho niềm vui của đồng bào về cuộc sống mới nơi này.  “Từ một xã miền núi khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng thấp kém, thu nhập và mức sống của người dân còn thấp, đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp, đường giao thông nông thôn, trạm y tế… được xây dựng khang trang. Bà con nhân dân ai nấy đều rất phấn khởi….

Mặc dù qua thời gian, phong tục đón tết của đồng bào Mường ở Khánh thượng đã ít nhiều thay đổi song phần lớn những phong tục đẹp chứa đựng tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của dân tộc từ xưa truyền lại hiện vẫn được đồng bào Mường lưu giữ. Đối với người Mường Khánh Thượng, ngoài chuẩn bị đầy đủ các đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng thì trong dịp đón tết, vui xuân không thể không có tiếng cồng chiêng. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường đều đánh ba hồi chiêng để mời tổ tiên về nhà ăn tết cùng con cháu. Trong những ngày tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng như khẳng định sức sống trường tồn cùng lịch sử như bản sắc văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mường ở Ba Vì…

Theo phong tục, vào ngày mùng 1 Tết, sau khi sắp lễ, bày cỗ cúng tổ tiên, đồng bào Mường sẽ diện quần áo mới đi chúc Tết, chơi xuân. Ở xã Khánh thượng, vào những ngày đầu xuân năm mới diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm nét văn hóa dân tộc như diễn tấu cồng chiêng, múa sênh tiền, hát ví, hát dang, ném còn, bắn nỏ,... Các hoạt động vui chơi diễn ra trong suốt mấy ngày tết không chỉ mang lại không khí vui tươi, phấn chấn sau 1 năm lao động vất vả mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trong xã.

Với 2044 hộ dân, trong đó 60% dân số là người dân tộc Mường, Khánh Thượng nay đã khác xưa rất nhiều. Xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 115 hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 100% hộ dân trong xã đã có xe máy, ti vi; trên 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong xã không còn tình trạng trẻ em thất học; trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp bậc tiểu học, THCS đạt 100%... Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song tạm gác lại những bộn bề lo toan thường nhật, người Mường Khánh Thượng đang nô nức đón xuân, vững tin vào một năm mới ấm no và sung túc hơn...
Rời những bản làng người Mường, hình ảnh ánh lửa hồng bập bùng bên nồi trưng ngào ngạt như làm ấm thêm không khí se lạnh của thời tiết cuối năm. Bên bếp lửa hồng, người già, con trẻ cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng cuối năm, nâng chén rượu cay nồng cùng chúc nhau một năm mới bình an, may mắn và hạnh phúc…