KTĐT - Cuối năm, giáp Tết là thời điểm của hàng giả, hàng nhái. Thời điểm nhạy cảm này cần có sự tham gia của các cơ quan thanh kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).
Không thể cứ trông chờ người tiêu dùng thông thái, bắt buộc họ tự bảo vệ mình trong khi thanh tra mỏng, kiểm tra theo mùa vụ, cưỡi ngựa xem hoa..
12 người lo... mâm cơm an toàn cho cả nước
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về vệ sinh ATTP, Bộ Y tế cho biết, nhiều năm trước vẫn chưa thành lập được tổ chức thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP. Chức năng thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP do thanh tra y tế, thanh tra thú y, thanh tra bảo vệ thực vật và lực lượng quản lý thị trường kiêm nhiệm. Trung bình, mỗi tỉnh chỉ có 5 cán bộ được biên chế làm công tác thanh tra vệ sinh ATTP từ Sở Y tế. Từ khi có Nghị định 79 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh ATTP, tháng 8/2008, lực lượng thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP được thành lập ở Trung ương với số nhân lực khá khiêm tốn: Bộ Y tế có 9 người, Bộ NN&PTNT có 3 người. Ở địa phương tình hình còn khó khăn hơn do chưa có quy định hướng dẫn về việc thành lập thanh tra tại các Chi Cục quản lý chất lượng vệ sinh ATTP, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, Luật Thanh tra hiện hành không quy định rõ về tổ chức thanh tra chuyên ngành tại Cục, chi cục thuộc Sở.
Bộ Y tế cho rằng, hạn chế về nhân lực đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh tra vệ sinh ATTP. Hoạt động thanh tra còn chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào tháng hành động chất lượng vệ sinh ATTP và các dịp lễ, tết... Bên cạnh đó, do phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thanh tra chuyên ngành còn chưa chặt chẽ nên có tình trạng nhiều đoàn thanh tra cùng đến 1 cơ sở sản xuất thực phẩm gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính vì thế, việc thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP bao gồm thanh tra chuyên ngành của ngành Y tế và ngành NN&PTNT. Hệ thống này được xây dựng từ tuyến Trung ương đến tuyến quận/huyện. Thanh tra ATTP thuộc ngành nào (Y tế và NN&PTNT) thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành đó. Mặc dù cho rằng, phương án này bảo đảm được tính tập trung và chuyên nghiệp hóa cao trong thanh tra ATTP cho từng Bộ (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT) nhưng Ban soạn thảo Luật VSATTP cũng thừa nhận, nó không phù hợp với Luật Thanh tra trong đó quy định cấp Cục không tổ chức thanh tra chuyên ngành trực thuộc cấp Cục; Đồng thời, không có được hệ thống thanh tra thống nhất, tập trung và đủ mạnh.
Tăng cường thanh tra đột xuất
Để đảm bảo công tác ATTP cuối năm, trong dịp Tết, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay hơn nữa và cần có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ hơn nữa. Hiện nay có tình trạng là các bộ, ngành có nhiệm vụ bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thường ỷ lại, dựa dẫm nhau trong quá trình quản lý nhưng đến khi có các vụ việc vi phạm xảy ra thì lại đổ trách nhiệm cho nhau. Thế nên vào các dịp Trung thu, lễ tết, các bộ, ngành này thường phải thành lập các ban liên ngành để đi giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế là với những cuộc thanh tra liên ngành mang tính phong trào như thế thì nhiều vụ việc khá nghiêm trọng đã không được phát hiện. Người ta đã sản xuất hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng thì không thể có chuyện người ta sẵn sàng chờ đợi cơ quan thanh tra hoặc liên ngành đến để thanh tra mà đương nhiên phải tìm mọi cách để che giấu những hành vi phạm pháp. Cho nên phải tăng cường thanh tra đột xuất, ông Thắng đề nghị.
Mặt khác, cũng theo ông Thắng, các cơ sở sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện thì các cơ quan quản lý nhà nước không nên cấp phép. Đối với một số loại thực phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh cao thì cơ quan nhà nước cần chủ động ngay từ đầu, phải tiến hành thanh tra kiểm tra chặt chẽ, khi thật sự có đủ điều kiện thì mới cấp phép cho phép sản xuất kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra kiểm soát quá trình sản xuất kinh doanh từ khâu sản xuất cho đến khi đưa ra thị trường.
Tránh mua phải hàng kém chất lượng, ông Thắng nói: Phải tăng cường vai trò của người tiêu dùng. Làm thế nào để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng để họ trở thành những người tiêu dùng thông minh, chọn lựa được những sản phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh, an toàn để tự bảo vệ được quyền lợi của chính mình, đồng thời phát huy trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, bảo vệ toàn xã hội. Có cơ chế công khai những cơ sở làm ăn gian dối, những cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực, làm ăn chân chính, cung ứng cho thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm đó.