Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vệ sinh kém, dịch bệnh gia tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Công tác phòng, chống, quản lý dịch bệnh cho gia súc, gia cầm yếu kém cùng với điều kiện vệ sinh trong giết mổ hạn chế đã gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng an toàn thực phẩm.

Tình trạng này sẽ đáng lo ngại hơn trong những tháng cuối năm - Đó là cảnh báo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).
 
Vệ sinh yếu kém
 
Theo đánh giá của Cục Thú y, hoạt động chăn nuôi tại các địa phương vẫn phát triển tự phát, chưa có qui hoạch và thiếu quản lý chặt chẽ. Việc kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi còn hạn chế, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm vẫn chưa đảm bảo. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Qua đánh giá tác động của các hố chôn gia cầm đến môi trường cho thấy, trong 134 mẫu nước lấy từ giếng khoan cách hố chôn chưa đến 50m thì có 23,07% mẫu có mức nhiễm bẩn do chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép, 42,3% mẫu có mức ô nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép. Các mẫu nước lấy càng gần hố chôn, mức độ ô nhiễm càng cao.
 
Điều kiện vệ sinh thú y kém là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch bệnh kéo dài trên đàn vật nuôi trong những năm gần đây. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm, 35 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM) và 9 tỉnh có dịch lợn tai xanh. Tổng số gia cầm bị mắc bệnh và tiêu hủy là 120.000 con; số gia súc mắc bệnh là 155.000 con, trong đó tiêu hủy hơn 53.000 con. Hiện cả nước vẫn còn 2 tỉnh có dịch cúm gia cầm (Quảng Trị, Quảng Ngãi), 4 ổ dịch LMLM tại Nghệ An và 5 tỉnh có dịch lợn tai xanh. Cục Thú y cảnh báo, trong những tháng cuối năm nguy cơ dịch bệnh phát sinh mạnh do chủng virut cúm gia cầm đã biến đổi nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh thích hợp; virut LMLM và tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn lợn lâm sàng…
 
Không chỉ thế, điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm cũng còn nhiều điều đáng báo động. Kết quả điều tra của các CSGM mới công bố của Cục Thú y cho thấy, các CSGM của miền Bắc vẫn chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ. Chất thải từ hoạt động giết mổ đa phần chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường. 64,5% số hộ giết mổ gia cầm nằm trong khu dân cư và hơn 80% số điểm giết mổ có diện tích nhỏ hơn 20m². Tại Hà Nội, theo khảo sát, toàn thành phố có gần 500 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó nhiều cơ sở được đầu tư dây chuyền giết mổ treo nhưng lại tổ chức giết mổ trên sàn nhà, không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng gia cầm sống được bày bán và giết mổ ở các chợ nội thành, không được kiểm soát thú y, không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y theo qui định vẫn còn tồn tại.
 
Siết chặt kiểm soát
 
Để đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi, các địa phương cần hướng dẫn cho hộ chăn nuôi thường xuyên tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chuồng trại. Đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn. Trong đó, giải pháp hữu hiệu là qui hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, có biện pháp xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh.
 
Để tạo đà cho bà con nông dân yên tâm tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm, công tác đảm bảo vệ sinh thú y có vai trò rất quan trọng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, chính quyền các cấp phải theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các ổ dịch xảy ra trên đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia súc gia cầm, nhất là tại các vùng biên giới, cửa khẩu.
 
Trong vấn đề quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, cần kiên quyết chấm dứt hoạt động của các lò mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh xây dựng các điểm giết mổ tập trung. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích đầu tư từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến buôn bán, kinh doanh vận chuyển thịt gia súc, gia cầm. Đồng thời, có qui hoạch tổng thể, gắn chăn nuôi với giết mổ, tiêu thụ thành một chuỗi và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh thú y cho cả CSGM và người tiêu dùng.