Gia tăng ca mắc
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn, so với cùng kỳ năm trước, thời điểm này bệnh nhân mắc tay chân miệng có xu hướng tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận trên dưới 5 trẻ đến khám, đa số trẻ được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân đều dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm trẻ em 3 tuổi đang học mầm non. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường – Trưởng Khoa Nhi, BV Đa khoa Xanh Pôn, mùa dịch bệnh tay chân miệng rơi vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
Còn tại BV Nhi T.Ư, số bệnh nhi đến khám và nhập viện cũng tăng nhanh chóng. Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 200 ca mắc tay chân miệng, tăng mạnh trong tháng 3 và đầu tháng 4/2016. Nhiều ca bệnh đi kèm với các triệu chứng viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy cấp… khiến trẻ mệt mỏi kéo dài. Còn trên cả nước, chỉ trong tuần qua đã có trên 600 ca mắc, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
TS Ngũ Duy Nghĩa - Phó Trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, tay chân miệng là bệnh do virus cấp tính nhiễm trùng lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, vì vậy dễ lây lan thành dịch. Bệnh tay chân miệng đa số lành tính, tự khỏi, tuy nhiên đáng lo ngại là chủng virus EV71 gây biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên, tỷ lệ mắc chủng virus này rất ít. Còn theo PGS.TS Phạm Nhật An - nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư, bệnh này hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà thuốc điều trị chủ yếu là để hỗ trợ triệu chứng. Thông thường bệnh diễn biến từ 1 tuần đến 10 ngày thì các triệu chứng sẽ hết.
Trước lo ngại thai phụ mắc tay chân miệng gây biến chứng cho thai nhi, PGS.TS Phạm Nhật An cho rằng, người lớn có thể mắc tay chân miệng nhưng rất hiếm và thường là bệnh nhẹ, chưa có chứng cứ về nguy cơ gây tổn hại hoặc lây nhiễm cho thai nhi.
Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý
Theo PGS.TS Phạm Nhật An, đối với thể virus tay chân miệng thông thường thì tổn thương trong miệng là chủ yếu. Vì vậy phụ huynh nên cho trẻ súc miệng, uống nhiều nước, dùng các thuốc sát khuẩn và giảm đau bôi vào miệng trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút để trẻ thấy dễ chịu khi ăn. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, không quá nóng và cũng không quá lạnh. Bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo. Đối với trẻ bị nhẹ, điều trị tại nhà, gia đình nên cho trẻ uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi... để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, các loại quả có màu đỏ, màu vàng như nước ép cà rốt, cà chua, dưa hấu… rất giàu vitamin A - một trong những vitamin rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các vết tổn thương. Cũng theo bác sĩ Hải, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng truyền dịch cho trẻ, chỉ truyền dịch khi trẻ có những biểu hiện mất nước nặng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao và phải theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, khi bị tay chân miệng, nên bổ sung kẽm - một vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho cơ thể. Kẽm có nhiều nhất trong các thực phẩm như hải sản, bao gồm hàu, ngao, hoặc các thực phẩm hàng ngày như lòng đỏ trứng, thịt gà… chế biến thành các món cháo, súp cho bé dễ ăn.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Như Tiến
|
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu là vệ sinh cá nhân, bảo vệ an toàn thông qua rửa tay, không chỉ với trẻ mà cả người trông trẻ dưới 5 tuổi. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, sàn nhà, nhà vệ sinh, khu vực chế biến thực phẩm. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được cách ly cho đến khi hết triệu chứng, hết sốt, vết loét đã lành thì trẻ có thể hòa nhập cùng mọi người. |