Cụ thể, theo phản ánh của người dân, một số cầu, hầm chui trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được sửa chữa bằng phương pháp dùng băng keo để dán vị trí thấm dột. Như tại hầm chui qua đường DH 5 (thuộc địa phận thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam), có 4 vị trí ở đỉnh được bịt băng keo ở các khe giữa. Băng keo trắng được dán chằng chịt ngang, dọc và đã bong tróc ra.
Trước đây, hầm chui này thấm dột, nước chảy lên đầu người dân đi qua hầm sau khi mưa. Người dân còn cho biết, mỗi khi trời mưa nước đọng thành từng vũng lớn trong hầm, xe và người rất khó lưu thông qua đây, mất an toàn.
Ông Lê Quang Hào - Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh, VEC đã cử một số cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra hiện trường. Hầm chui này trước đây cũng bị thấm dột và nhà thầu đã tiến hành chống thấm bằng các vật liệu tương thích, đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế.
Khi được hỏi vì sao nhà thầu dùng băng keo dán lại các chỗ thấm dột, ông Hào khẳng định: “Các công nhân dùng băng keo dán là để bảo vệ lớp vật liệu chống thấm. Không phải nhà thầu dùng băng keo chống thấm. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu tháo gỡ lớp băng keo ở hầm chui để đảm bảo thẩm mỹ”.
Ông Hào cho biết thêm, hầm chui mà người dân phản ánh qua đường DH 5 thuộc gói thầu A2 do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng nhưng vừa đưa vào khai thác đã xảy ra hư hỏng. Sau mặt đường bị bong tróc cục bộ nhiều đoạn phải cào lên làm lại, hàng chục cầu và hầm chui dân sinh trên tuyến cao tốc này xảy ra tình trạng thấm, dột mỗi khi trời mưa.
Hiện tại, Thanh tra Bộ GTVT đang trong thời gian thanh tra cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau phản ánh của báo chí và người dân về những sai phạm, bất cập trong quá trình thi công. VEC cũng đang đốc thúc các nhà thầu, đơn vị thi công hoàn thành những hạng mục còn lại để hoàn thiện cao tốc.