Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VEPR công bố các kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020: Tăng trưởng lạc quan nhưng cần thận trọng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, do đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tuy vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.

Đó là nhận định của các chuyên gia Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 diễn ra sáng 17/6. 
Tăng trưởng 2020 có thể trên 5,3%
Theo VEPR, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm: Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu EU (EVFTA và IPA) đã được hoàn tất kí kết và thông qua, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2020; Tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh; Chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp; Cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời tận dụng các FTA, lao động giá rẻ, ưu đãi thuế; Lạm phát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng.
 Sản xuất thiết bị văn phòng tại Công ty Hồng Hà, quận Long Biên. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn bao giờ hết. Nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần hai kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, sự xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam chịu thiệt hại.
Ngoài ra, nền tảng vĩ mô trong nước còn yếu, chưa được cải thiện nhiều như: Thâm hụt tài khóa cao; Sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy đã được cải thiện nhưng còn yếu; Sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI; Lao động nhiều về số lượng nhưng thấp về chất lượng; Hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng tham nhũng vẫn phổ biến; Tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước bị ngưng trệ; Môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập.
“Những nhược điểm này, nếu không sớm được cải thiện, sẽ không chỉ cản trở sự hồi phục trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn”- PGS TS Phạm Thế Anh Kinh tế trưởng VEPR nhấn mạnh.
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau. Với kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020. Với các kịch bản trung tính và bi quan, mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 3,9% (trung tính), hoặc thấp nhất là 1,7% (bi quan). Lạm phát dự báo sẽ dưới mức 4%.
Củng cố tài khóa để phòng, chống các cú sốc
Từ những phân tích về tăng trưởng, lạm phát, VEPR khuyến nghị: Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid–19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid–19.
Theo VEPR, trong bối cảnh thu ngân sách năm 2020 khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng các biện pháp ưu đãi thuế đang rất lớn và dàn trải. Tình trạng vi phạm thuế phổ biến, khu vực FDI có nhiều biểu hiện vi phạm nhất và cũng là khu vực hưởng nhiều ưu đãi nhiều nhất.
Ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động từ 13.300 - 20.700 tỷ đồng, tương đương 6,4 – 9,9% số thu thuế thu nhập DN. Những con số này lớn gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Trong đó, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI có thể lên tới 8.000 – 9.000 tỷ đồng, còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng.
Theo TS Cấn Văn Lực, giải pháp chống trốn và tránh thuế là điểm yếu của Việt Nam, năm 2019 lên 81.000 tỷ nợ đọng thuế. Đơn cử trốn thuế trong thuế thu nhập cá nhân hay như thuế tài sản rất lớn nhưng mức độ tăng qua các năm của Việt Nam hiện nay thấp trong khi các nước làm rất tốt.
Ông Lực cho rằng, lĩnh vực thuế phải cải thiện cả thu và cơ cấu chi. Các quỹ hiện nay rất thiếu minh bạch, phải nâng cao hiệu quả quản lý quỹ và làm tốt công tác thu thuế từ kinh doanh số, kinh doanh trên mạng internet.

"Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm (QL 1A và sân bay Long Thành) hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng. Tuy nhiên tăng mạnh đầu tư công chỉ hỗ trợ trong ngắn hạn do Việt Nam nguồn lực hạn hẹp, không thể đẩy mãi đầu tư công bù đắp cho sự sụt giảm. " - PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR