Đây là nhận định được ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016. Theo đó, mức tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm được đề ra trong Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 được Thủ tướng trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII là rất khó có thể đạt được.
Theo ông Thành, sở dĩ trong năm 2015, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao là nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp cũng như mặt bằng giá thấp. Tuy nhiên, sang năm 2016, mốc tăng trưởng 6,5% là rất khó bị vượt qua. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn do chính sách tiền tệ nới lỏng và việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ công. Mức dự báo lạm phát của năm 2016 có thể lên tới 4%. Bản Báo cáo của VEPR cũng đưa ra 27 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó kịch bản cơ sở nêu ra tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ ở mức 5,56%/năm,với tình huống nền kinh tế không có nhiều đột phá và tình hình quốc tế được coi như ổn định. Với trường hợp thuận lợi nhất khi nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ cùng với môi trường quốc tế thuận lợi, Chính phủ có điều kiện huy động thêm các nguồn lực quốc tế, thì tăng trưởng có thể đạt mức bình quân khoảng 6,96%/năm. Tựu chung các kịch bản có nhiều khả năng xảy ra trong thực tế cao nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 sẽ ở mức bình quân vào khoảng 6%/năm. Con số này cũng tương tự với những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng của Việt Nam trong 5 năm tới. Đồng thời, ông Thành cũng nhận định rằng, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2020 sẽ chỉ nằm trong khoảng 2.756 – 3.219 USD. Thấp hơn so với mục tiêu 3.200 – 3.500 USD được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng XII. Cũng trong giai đoạn 2016 -2020, tăng trưởng về vốn sẽ đóng vai trò quan trọng hình thành nên tốc độ tăng trưởng sản lượng chung của nền kinh tế, đặc biệt khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có đủ tiềm năng để bứt phá nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do kiểu mới như TPP, EVFTA, AEC, Viện trưởng VEPR dự đoán. Ông Thành cũng cho rằng, chu kỳ kinh tế 2016 -2020 được thừa hưởng nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp và nền kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố dòng vốn nóng như các quốc gia khác trong khu vực, uy nhiên, nền tảng thực sự của nền kinh tế còn yếu. Trong đó, hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh và minh bạch; tình trạng bội chi ngân sách tăng nhanh trong giai đoạn trước sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất mà chu kỳ kinh tế này phải đối mặt. Việt Nam cần phải thực hiện cải cách theo hướng tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm chính phủ, gia tăng nguồn lực được phân bổ đến khu vực tư nhân, ông Thành đưa ra lời khuyên. Việt Nam hiện đang tiêu tốn quá nhiều nguồn lực cho hoạt động thiếu hiệu quả của khu vực hành chính công bành trướng và kém hiệu quả, thể hiện ở tỷ lệ chi thường xuyên ở mức cao trong tổng chi ngân sách và trong GDP. Viện trưởng VEPR khẳng định, những cải cách khu vực DN nhà nước theo hướng cổ phần hóa sẽ giúp phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn cũng như phải được thực hiện rất gấp rút nhằm nâng cao hiệu suất vốn xã hội và năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là những định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng của dòng vốn đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công khá eo hẹp và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trong nước đã đạt ngưỡng bão hòa so với tương quan thu nhập đầu người.
Tăng trưởng về vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế 2016 - 2020 |