Nhiều nhà quan sát cho rằng với chiêu bài chống khủng bố và trả thù cho sự kiện 11/9, các Tổng thống Mỹ đã tự ban cho mình thứ quyền lực gần như không giới hạn trong các tình huống chiến tranh, từ Iraq, Afghanistan tới Libya và sắp tới là Syria. Các cuộc chiến này khiến những vết thương sau vụ khủng bố 11/9 gây ra vẫn chưa thể kín miệng, kéo theo những thiệt hại lớn về người và của cũng như uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Du khách đặt tay lên tấm bảng có khắc tên các nạn nhân tại Đài tưởng niệm quốc gia 11/9.
Sau vụ khủng bố 11/9, nước Mỹ đã trải qua gia đoạn mà Tổng thống Barack Obama nhận định là "một thập kỷ chiến tranh nhọc nhằn" nhưng dường như cường quốc này vẫn chưa thể chấm dứt mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Ngoài các cơ quan an ninh cồng kềnh, tốn kém được xây dựng tại các chiến trường mà Mỹ tham gia, chủ nghĩa khủng bố đã chiếm một vị trí trung tâm trên sân khấu chính trị với những toan tính trái ngược của các đảng phái. Trong khi đó, chiến trường Afghanistan vẫn chưa yên tiếng súng và thậm chí trở nên nguy hiểm hơn lúc nào hết khi lính Mỹ và NATO đã trở thành mục tiêu tấn công của cả phiến quân lẫn các phần tử cực đoan trong lực lượng cảnh sát. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có 31 lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan, giữa lúc bất ổn tại Iraq giống như một mồi lửa có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Dù vết thương sau vụ khủng bố 11/9 vẫn chưa kín miệng, việc Tháp Tự do đang dần hình thành trên nền tòa Tháp đôi bị đổ sụp cách đây 11 năm được coi là niềm hy vọng cho sự an toàn và an ninh của toàn nước Mỹ.