Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị bác sỹ gần 90 tuổi và phòng khám miễn phí cho người cao tuổi

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ở tuổi gần 90 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, đôi chân đã chậm chạp, nhưng gần 30 năm nay, mỗi ngày như một, bác sĩ Trương Thị Hội Tố – Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ quận Thanh Xuân luôn có mặt tại phòng khám và tư vấn miễn phí do bà sáng lập.

Ước mơ một phòng khám bệnh miễn phí cho người già
Phòng khám đặt tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, sáng thứ 2 hàng tuần, bác sĩ Tố lại đi "xe ôm" từ nhà ở quận Thanh Xuân đến đây để cùng những “đồng nghiệp tóc trắng” thăm khám cho người có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh nhân ở đây đa số là người già mắc các bệnh huyết áp, tiểu đường, xương khớp….
Bác sĩ Trương Thị Hội Tố khám và tư vấn cho bà Dần 
Từng làm Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định, chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Angola, năm 1992, bác sỹ Trương Thị Hội Tố về hưu theo chế độ. Nhiều cơ sở y tế tư nhân mời bà cộng tác với mức lương cao, nhưng người phụ nữ có 2 người chồng đều là liệt sĩ đã chọn con đường thiện nguyện để gắn bó phần đời còn lại. “Tôi thấy thương cho những bệnh nhân cao tuổi, chỉ mắc bệnh đơn giản nhưng lại mất nhiều thời gian để thăm khám ở những cơ sở y tế” - bà chia sẻ. Nghĩ là làm, hàng ngày, bà cần mẫn đạp xe đến từng nhà khám cho bệnh nhân. Bà cảm nhận rõ nỗi nhọc nhằn của những người già yếu, khó khăn, không có đủ điều kiện khám và theo dõi sức khoẻ thường xuyên, bà ước sẽ có một phòng khám riêng với đầy đủ trang thiết bị để khám chữa bệnh miễn phí cho họ. May mắn đã đến khi bà gặp được y tá Lê Thị Sóc - cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn, hai người đã cùng nhau xây dựng phòng khám, đồng thời bà cũng thuyết phục được những đồng nghiệp đã về hưu cùng tham gia như bác sĩ Lê Thanh Thước.
Khi phòng khám đủ nhân sự, một khó khăn khác lại phát sinh đó là không có nơi để đặt trụ sở. Từ khi thành lập đến nay, phòng khám đã 7 lần thay đổi địa điểm, lúc đi thuê, lúc nhờ nhà dân, lúc lại mượn trụ sở UBND phường Giáp Bát. Sau này, được Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát tạo điều kiện, cho đặt phòng khám tại trụ sở của Hội, tạo sự ổn định cho đến nay.
 Y tá Lê Thị Sóc - người đồng hành cùng bác sĩ Tố 30 năm qua
Ban đầu, bác sĩ Tố và những y bác sĩ của phòng khám phải tự bỏ tiền túi để mua sắm trang bị và thuốc để cấp phát miễn phí cho bà con. Sau đó, bác sĩ Tố vận động những người bệnh có thuốc không dùng, mang đến để phòng khám phân loại, tận dụng cho những bệnh nhân cần. Bên cạnh đó, rất nhiều mạnh thường quân khi biết đến phòng khám đã chủ động gửi thuốc và tiền ủng hộ. “Giờ thì thuốc cấp phát cho bệnh nhân không còn thiếu nữa rồi” - như lời những bác sỹ già nơi đây chia sẻ.
Trăn trở về thế hệ kế cận
Trải qua gần 30 năm, nhiều bác sĩ đã già yếu, đau ốm hoặc qua đời; nhiều bác sĩ “ít già hơn” đến gắn bó với phòng khám, nhưng có một điều không thay đổi là phòng khám vẫn luôn được bệnh nhân tin tưởng và ủng hộ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Bích Dần, người đến khám tại đây, cho biết, bà là bệnh nhân đã khám và theo dõi sức khỏe nhiều năm ở đây. Do tuổi cao nên sức khoẻ thường xuyên gặp vấn đề, hàng tuần, bà đều đến để được đo huyết áp, đường huyết. Thông số sức khoẻ của bà được phòng khám ghi chép lại cẩn thận trong sổ để theo dõi. Nói về bác sĩ Trương Thị Hội Tố, bà Dần xúc động: "Bác sĩ Tố là người cởi mở, tận tâm và nhân đức, đúng là một con người hiếm có”. 
Do tuổi đã cao, hiện bác sĩ Tố không còn trực tiếp khám bệnh và kê thuốc cho bệnh nhân

Điều khiến bác sĩ Tố hiện trăn trở nhất là làm sao vận động được đội ngũ bác sĩ tình nguyện kế cận để duy trì phòng khám và khám chữa bệnh cho bà con. Như bản thân bà, trước trực tiếp khám cho bệnh nhân, nhưng nay cũng do tuổi cao, tai mắt không còn tinh anh, phần công việc quan trọng này do bác sĩ Nguyễn Văn Đức, bác sĩ "ít già nhất" của phòng khám đảm nhiệm. Bởi thế, nếu không có các bác sỹ trẻ hơn đến tham gia, sẽ khó duy trì bền lâu phòng khám thiện nguyện, để hỗ trợ nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, sẻ chia.