Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi phạm bản quyền truyền hình: Các “ông lớn” internet có vô can?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, vi phạm bản quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình luôn là vấn đề gây nhức nhối tại Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, smartphone cũng như truyền hình trả tiền đang bước vào giai đoạn cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc ngăn chặn vi phạm bản quyền đang trở thành bài toán sống còn đối với những đơn vị sản xuất nội dung.

Ăn cắp trắng trợn...

Theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT, tính tới cuối năm 2016, cả nước có tổng số 30 DN truyền hình trả tiền (THTT) với số thuê bao là 12,5 triệu cùng doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2017, mặc dù có tăng về lượng thuê bao lên 13,6 triệu nhưng tổng doanh thu của lĩnh vực này mới chỉ đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, ở thời điểm hiện tại, số DN THTT đã giảm xuống đúng 1/2 so với 6 tháng trước khi chỉ còn 15 DN đang hoạt động.
 

Bộ phim “Người phán xử” của VTV bị nhiều website xài “chùa”.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự "khai tử" của các DN THTT nằm ở thực trạng trong khi chi phí sản xuất hoặc mua các chương trình truyền hình ngày càng tăng, tình trạng vi phạm bản quyền cũng tăng mạnh và khó bị ngăn chặn hơn. Còn nhớ, tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như doanh thu của các DN THTT. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong 6 tháng cuối năm là tập trung xử lý tình trạng này.

Là một người trong cuộc, nguyên Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long Lê Quang bức xúc, hiện tại nạn "ăn cắp" bản quyền diễn ra còn trắng trợn hơn trước rất nhiều. Trước đây, đài chiếu một bộ phim thì tới hôm sau các trang mạng mới lấy lại nhưng hiện nay cứ chiếu 15 phút là đã thấy bản bị cắt được đưa lên internet. “Thậm chí, đài tiến hành mua các phim "bom tấn" nước ngoài với giá cao nhưng chưa kịp chiếu thì đã xuất hiện bản phụ đề đầy đủ trên mạng. Hậu quả là doanh thu quảng cáo của đài trong những năm trở lại đây đang sụt giảm rất mạnh” - ông Quang nói.

Không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đài, việc vi phạm bản quyền cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các khán giả chân chính. Vào tháng 5 vừa qua, VTVcab đã phải ngừng phát sóng các giải đấu Champions League và Europa League tại Việt Nam do bị xâm phạm bản quyền chương trình phát sóng. Điều này đã khiến phần lớn tín đồ túc cầu của Việt Nam không thể theo dõi loạt trận quan trọng nhất của các giải đấu này.

Từ tiếp tay đến cố tình vi phạm

Tính tới tháng 6/2017, trong số 50 website vi phạm bản quyền truyền hình được Cục PTTH&TTĐT phát hiện, có 28 website lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài và 22 website sử dụng dịch vụ lưu dữ liệu của các DN viễn thông trong nước. Đáng chú ý, việc tiếp tay cho các nội dung lậu có sự góp mặt của nhiều "ông lớn" internet Việt. Có thể kể đến như Viettel là nơi lưu trữ nội dung cho các website phim lậu như phimmoi.net, xemphimbox.com...; FPT Telecom là nơi chứa dữ liệu của hdonline.vn, pubvn.net, hdviet.com...; VNPT với viphim.net, phimbathu.com, vungtv.com... hay SPT tới trang phim nổi tiếng hayhaytv.vn.

Lý giải về việc hệ thống máy chủ của mình là nơi lưu trữ các nội dung lậu, đại diện FPT cho rằng, nhà mạng chỉ cho thuê server chứ không được phép quản lý nội dung, do vậy vẫn có trường hợp để lọt nội dung không phép. Tuy nhiên nếu có đầy đủ chứng cứ vi phạm, nhà mạng sẵn sàng cắt không cho thuê dịch vụ máy chủ đối với bên vi phạm.

Không chỉ tạo điều kiện cho bên khác vi phạm, trực tiếp các tên tuổi lớn này cũng cố tình vi phạm. Mới đây, FPT Telecom và Viettel đã cùng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng do cung cấp 2 bộ phim ăn khách “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” của VTV trên các website fptplay.net, videohay.vn cũng như tại ứng dụng FPT Play cùng Viettel TV.

Muốn triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình đang tràn lan ở Việt Nam có lẽ phải cần thêm khá nhiều thời gian. Điều cần thiết không chỉ nằm ở việc gia tăng các chế tài cũng như mức phạt dành cho hành vi này mà bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của các nhà mạng, phải coi đây là yếu tố then chốt trong cuộc chiến đầy gian nan này.

Clip TV - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên internet cũng vừa mới tạm ngưng cung cấp tín hiệu kênh truyền hình các kênh của VTV từ VTV2 - VTV9 do vấn đề bản quyền.