Đủ loại hình vi phạm
QL21B và Đại lộ Thăng Long là 2 trong số những tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Tây - Tây Nam với trung tâm Hà Nội. Mật độ giao thông trên tuyến rất cao. Đặc biệt, QL21B hiện vẫn chưa được mở rộng, nâng cấp, do đó thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và các kỳ lễ, Tết. Một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng đáp ứng lưu thông của QL21B và Đại lộ Thăng Long là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang giao thông làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu, xây bục bệ, tường rào sai quy định…Tuyến QL21B, đoạn qua Hà Nội có tổng chiều dài 41,6km, trải dài qua địa phận các quận, huyện Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên tuyến ghi nhận được 1.597 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông. Trong đó nổi bật có 612 trường hợp làm lều lán, mái che; 255 trường hợp tổ chức họp chợ, kinh doanh ăn uống, rửa xe, sửa chữa xe. 112 trường hợp biến hành lang giao thông thành điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nổi cộm nhất tại những đoạn tuyến như qua xã Dân Hòa, Bích Hòa (Thanh Oai), Thái Đường (Ứng Hòa)…Vi phạm trên tuyến Đại lộ Thăng Long diễn ra chủ yếu dọc hai bên hành lang đường gom, đoạn qua các quận, huyện Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Qua khảo sát cho thấy, trên 30km đường gom mỗi chiều lưu thông đang tồn tại 412 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT. Vi phạm chủ yếu nhất là họp chợ, kinh doanh ăn uống, tập kết vật liệu, phế liệu xây dựng và máy móc thiết bị. Với những tồn tại đó, tại cuộc họp sáng 17/7, Sở GTVT Hà Nội cho biết trong tháng 7 này sẽ tổ chức giải tỏa tất cả các vi phạm tồn tại trên QL21B và Đại lộ Thăng Long.Làm được có giữ được?Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang chia sẻ, trên thực tế, Thanh tra GTVT và các lực lượng liên quan đã nhiều lần ra quân xử lý, giải tỏa vi phạm. Giải tỏa xong, địa bàn được bàn giao lại cho địa phương quản lý, nhưng chỉ được một thời gian tái diễn vi phạm.Lý giải tình trạng này, đại diện UBND xã Bích Hòa (Thanh Oai) cho rằng, do lực lượng chức năng tại chỗ quá mỏng, không đáp ứng được nhiệm vụ. “Lực lượng Công an xã rất mỏng. Xã cũng đã lập 2 tổ giữ gìn, đảm bảo trật tự đô thị, nhưng chỉ duy trì được độ nửa tháng vì không có kinh phí. Hơn nữa, Công an xã cũng chủ yếu là con em ở địa phương, nếu làm căng quá cũng rất khó xử với người dân” - vị này thẳng thắn chia sẻ và đề xuất, các lực lượng chức năng khi hỗ trợ địa phương giải tỏa, xử lý vi phạm, thu giữ biển quảng cáo, lều bạt xong thì đưa luôn về UBND huyện, tránh trường hợp để ở UBND xã người dân đến xin.Tương tự, đại diện một số quận, huyện nơi có tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long đi qua cũng cho rằng, việc duy trì kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm hè, đường, hành lang giao thông là rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu lực lượng, khó xử phạt… Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng: “Xử phạt, giải tỏa vi phạm chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài cần quản lý tốt, đặc biệt là tuyên truyền, vận động một cách có hiệu quả để người dân tự ý thức chấp hành pháp luật mới mong giải quyết được triệt để vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông”.Theo các chuyên gia, kinh nghiệm cho thấy, những vi phạm khi đã tuyên truyền vận động nhưng vẫn cố tình không chấp hành thì cần phải có chế tài phạt nặng, xử nghiêm và quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Chỉ có như vậy mới chấm dứt tình trạng tái vi phạm, gây mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Thực hiện chương trình mục tiêu giảm UTGT và đảm bảo ATGT đã được HĐND, UBND TP Hà Nội thông qua, Sở GTVT đã lập kế hoạch, phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng các quận, huyện tổ chức xử lý, giải tỏa vi phạm ngay trong tháng 7 này. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà |