Kinhtedothi - Hồ Suối Hai có diện tích gần 1.000ha thuộc địa bàn quản lý của 4 xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Công trình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi này đang hết sức đáng lo ngại.
Mặc sức xây dựng theo ý muốn
Xã Tản Lĩnh (Ba Vì) là địa phương có diện tích bao quanh hồ Suối Hai lớn nhất so với 3 xã còn lại và vi phạm tại địa bàn này cũng phức tạp hơn cả. Qua khảo sát và trao đổi với cán bộ, người dân địa phương được biết, tại thôn Cẩm Phương, gia đình ông Kiều Xuân Thủy đã tổ chức đào ao thả cá với diện tích trên 3.600m2. Cũng tại thôn này, ông Chu Viết Thông ngang nhiên đào đất, san nền làm đường dẫn vào khu đất được giao khoán sản xuất với diện tích gần 1.800m2. Đây là 2 trong tổng số 4 vụ vi phạm nghiêm trọng nhất được phát hiện, lập biên bản từ đầu năm 2015 đến nay trên địa bàn xã Tản Lĩnh.
Bên cạnh những vi phạm mới phát sinh trong năm 2015 được phát hiện, lập biên bản, nhiều vụ vi phạm công trình hồ Suối Hai diễn ra từ năm 2013 - 2014 nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Sau nhiều năm, các công trình vi phạm vẫn tiếp tục án ngữ các diện tích ven, lòng hồ. Điển hình như trường hợp ông Trần Nam Thắng vi phạm đào ao thả cá trong diện tích lòng hồ thuộc địa phận xã Ba Trại từ cuối năm 2013, hay trường hợp bà Nguyễn Thị Lan xây tường rào nằm trên đỉnh mái, đập phụ đê thuộc địa phận xã Tản Lĩnh cũng từ năm 2014… Dù những trường hợp này đã được các cơ quan chức năng lập biên bản nhưng các công trình sai phép vẫn tồn tại khiến người dân rất bức xúc. Đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành an toàn hồ chứa.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), tình hình vi phạm công trình thủy lợi hồ chứa nước Suối Hai diễn biến phức tạp, nhất là trong 2 năm trở lại đây. Tính chất vi phạm cũng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cảnh quan, môi sinh, an toàn công trình, là nỗi lo lớn của những người làm công tác quản lý, vận hành hồ chứa.
Nguy cơ từ tình trạng ô nhiễm
Cùng với tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trong lòng hồ Suối Hai, việc xả thải vào công trình chứa nước quan trọng này cũng diễn biến hết sức phức tạp. Theo ông Nguyễn Huy Hùng - Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý đầu mối hồ Suối Hai (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích), trên địa bàn 4 xã Thụy An, Tản Lĩnh, Ba Trại, Cẩm Lĩnh hiện có 2 - 3 công ty sản xuất và hàng chục trang trại chăn nuôi. Do địa hình đồi núi bán sơn địa, chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải nên nước thải từ các cơ sở sản xuất này theo mương, rãnh, hệ thống lạch đổ về hồ Suối Hai. Nguồn xả thải này đang đe dọa nghiêm trọng môi sinh trong lòng hồ Suối Hai.
Ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết thêm, so với 3 xã còn lại, Thụy An là địa phương có diện tích đất canh tác tiếp nhận nguồn nước tưới từ hồ Suối Hai lớn nhất với khoảng 100ha. Việc nước hồ bị ô nhiễm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của địa phương vốn còn nhiều khó khăn này. Nguyên nhân từ ô nhiễm nguồn nước hồ Suối Hai xuất phát từ nguồn thải theo lạch từ bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đổ vào. Dù chưa có quan trắc cụ thể về tình trạng ô nhiễm nước trong lòng hồ Suối Hai, tuy nhiên, tình trạng xả thải tùy tiện, thiếu kiểm soát hiện nay chắc chắn sẽ khiến hồ chứa lớn nhất, nhì TP Hà Nội này đứng trước nguy cơ ô nhiễm.
Chính quyền buông lỏng?
Trong số những vi phạm được phát hiện và lập biên bản năm 2015 tại xã Tản Lĩnh, có một trường hợp khá hy hữu, đó là công trình đắp bờ dài trên 70m, cao 2,5m nhưng chính quyền xã… không biết. Đến nay, xã cũng vẫn chưa xác định được chủ nhân của công trình “đồ sộ” này! Trước đó, để “được” chính quyền xã Tản Lĩnh tới kiểm tra, lập biên bản, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích đã phải có ý kiến (?). Theo ông Nguyễn Hồng Quang - cán bộ địa chính xã Tản Lĩnh, do khu vực vi phạm ít người ở, không ai có ý kiến, trình báo nên địa phương... không nắm được. Ông Quang còn cho rằng, diện tích đất có vi phạm dù nằm trên địa phận xã, nhưng đã được giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích quản lý, khai thác sử dụng nên việc giám sát, xử lý các vi phạm là trách nhiệm của đơn vị này!
Đối với vi phạm nhưng chưa được xử lý, đại diện cả 4 xã đều cho rằng, việc quản lý, xử lý vi phạm hiện gặp nhiều khó khăn. Như Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển chia sẻ, việc xác định diện tích lòng hồ bị lấn chiếm là không dễ, do công tác xác định nguồn gốc đất phức tạp; chưa kể một số vi phạm xảy ra ở giữa hồ. Việc cắm mốc chỉ giới ven hồ chưa được thực hiện triệt để cũng được một số hộ vi phạm đưa ra biện giải cho hành vi vi phạm.
Liên quan tới vấn đề xả thải, ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An cho rằng, hầu hết các trang trại đều nằm rải rác xa khu trung tâm, hệ thống kênh mương đã cũ khiến công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn. Và dù nhận biết được ảnh hưởng của tình trạng xả thải tới chất lượng nước hồ Suối Hai, nhưng đến nay, cả 4 địa phương ven hồ đều chưa lập được bất cứ một biên bản nào liên quan tới vấn đề xả thải làm cơ sở xử lý vi phạm.
Cần phối hợp chặt chẽ xử lý vi phạm
Dù vẫn còn những nguyên nhân khách quan khiến công tác quản lý hồ Suối Hai gặp khó khăn, tuy nhiên không thể phủ nhận nguyên nhân sâu xa của tình trạng vi phạm này là do sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các đơn vị chức năng liên quan. Theo ông Đào Mạnh Thủy - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích), hầu hết các vi phạm phải chờ đến khi Công ty phát hiện, báo cáo thì địa phương mới nắm bắt được. Đối với thẩm quyền xử lý, theo quy định pháp luật thuộc về chính quyền địa phương: “Về phía Công ty, chúng tôi sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị xử lý. Quan trọng là địa phương cần có kế hoạch...”. Nhằm tăng cường năng lực quản lý hồ Suối Hai, ông Thủy kiến nghị TP nghiên cứu, bố trí nguồn vốn thực hiện cắm mốc chỉ giới làm cơ sở quản lý địa giới hồ Suối Hai. Đồng thời, xem xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương buông lỏng quản lý, chậm xử lý vi phạm trên địa bàn.
Để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất dân sinh, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND huyện Ba Vì chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích tăng cường tuyên truyền đến từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm rõ pháp luật, tham gia bảo vệ công trình hồ chứa nước Suối Hai. Chủ động rà soát, thiết lập hồ sơ, tổng hợp các vi phạm, xây dựng kế hoạch giải tỏa cụ thể. Đồng thời có biện pháp cưỡng chế với những hộ chây ì, cố tình chống đối, không để tình trạng vi phạm mới và tái vi phạm diễn ra.
Liên quan tới tình trạng vi phạm công trình hồ Suối Hai, ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, huyện đã có văn bản chỉ đạo 4 xã ven hồ nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì tập trung giải quyết dứt điểm vi phạm trong tháng 12/2015. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ nguồn thải từ các trang trại, cơ sở sản xuất đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước trong lòng hồ Suối Hai. Hy vọng với những động thái cụ thể của các cấp chính quyền, việc xử lý vi phạm công trình hồ Suối Hai thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực.
Vi phạm đào đất, đắp bờ làm ao thả cá trong diện tích lòng hồ Suối Hai. Ảnh: Trọng Tùng
|
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), đến nay, tổng số vi phạm công trình hồ Suối Hai là 102 vụ, trong đó có 12 vụ xây nhà cấp III, cấp IV; 6 vụ dựng lều, quán và công trình phụ; 84 vụ đổ đất san nền, trồng cây, đào ao với tổng diện tích trên 226.000m2. Các vi phạm chủ yếu trong lòng hồ, trên đập chính, đập phụ A. |