Những bất cập liên quan tới hạ tầng giao thông đô thị, trong đó có hạ tầng dành cho người đi bộ là nguyên nhân chính khiến việc đi bộ của người dân Thủ đô trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, không thể không đề cập tới một căn nguyên khác có ảnh hưởng không kém, đó là ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của người đi bộ. Không lo an toàn bản thân Tại Hà Nội, việc đi bộ lâu nay bị người dân ngộ nhận là đơn giản, không cần kỹ năng hay tuân theo bất cứ quy định nào. Người đi bộ dàn hàng ngang, đi dưới lòng đường và sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để sang đường ở bất cứ vị trí nào mà họ nghĩ là tiện lợi nhất. Ngay cả tại những nơi có hạ tầng dành riêng, người đi bộ cũng… phớt lờ. Có mặt tại đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi: Vỉa hè rộng rãi nhưng chẳng có mấy người đi, trong khi, cầu vượt dành cho người đi bộ nằm gần cổng trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì "có cũng như không". Người đi bộ, từ học sinh, sinh viên, tới công nhân, viên chức thản nhiên bách bộ dưới lòng đường, mặc cho dòng phương tiện qua lại nườm nượp. Tiếng cói xe vang lên inh ỏi mỗi khi có người vô tư sang đường tại nơi không có vạch ưu tiên.
"Không quan tâm" cũng là tâm lý chung của nhiều người khi được hỏi vì sao không đi bộ trên vỉa hè hoặc sử dụng cầu vượt cách đó không xa. Thậm chí, không ít người khi được hỏi chỉ đáp lại chúng tôi bằng những ánh nhìn đầy… lạ lẫm! Hình ảnh người đi bộ coi lòng đường như sân nhà còn dễ dàng bắt gặp tại những điểm tập trung nhiều cơ sở giáo dục như Quốc lộ 32 (đoạn trước cổng ĐH Thương mại và ĐH Công nghiệp Hà Nội), đường Nguyễn Trãi (gần ĐHQG Hà Nội)… Dường như lâu nay, có một hiện tượng tâm lý "kỳ lạ" luôn tồn tại, đó là người điều khiển phương tiện giao thông buộc phải tránh người đi bộ, còn người đi bộ thì không cần biết luật lệ là gì. Đáng lo ngại hơn khi điều này có vẻ như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một bộ phận người thường xuyên đi bộ. Việc đi bộ tưởng chừng như là cách tham gia giao thông đơn giản và an toàn nhất, nhưng trên thực tế lại đang có nguy cơ gây mất an toàn cao nhất. Cũng chính bởi tâm lý tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật của một bộ phận người đi bộ mà tình trạng mất trật tự ATGT đang trở nên phức tạp và ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Cần xử lý nghiêm vi phạm Tại các quốc gia phát triển, những trường hợp vi phạm khi đi bộ sai luật đều bị xử lý nghiêm. Chẳng vậy mà nhiều du khách nước ngoài khi tới Hà Nội đã không khỏi ngạc nhiên về cách thức sang đường rất liều lĩnh của người dân tại Thủ đô. Ông Jack Wilshire - một du khách người Canada chia sẻ: "Ở Canada, chỉ cần sang đường sai vị trí, chúng tôi sẽ bị phạt tới 100USD...".
Ở khía cạnh trái ngược, tại Hà Nội, tình trạng người đi bộ không chấp hành luật là rất phổ biến, nhưng lại ít trường hợp bị xử phạt. Trung tá Vũ Văn Hoài - Phó Trưởng phòng Tuyên tuyền, điều tra, giải quyết TNGT (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, việc xử phạt các trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã được quy định chi tiết tại Điều 9 và Điều 203, Nghị định 171/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, người đi bộ có thể bị phạt từ 50.000 - 120.000 đồng khi mắc một trong các lỗi gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, việc xử phạt trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hầu hết người đi bộ tại Hà Nội thường chỉ di chuyển trên quãng đường ngắn nên không mang theo giấy tờ tùy thân… Lực lượng CSGT từng nhiều lần phối hợp với công an các phường để xử lý nhưng hiệu quả không cao và tốn rất nhiều thời gian (!). Còn nhớ vào năm 2003, đã có trường hợp người đi bộ bị xử phạt khi đi sai luật, đó là chị Ngô Thị Mỹ Yên, trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh đi sai luật gây ảnh hưởng chết người cho một tài xế xe máy. Chị Yên sau đó phải chấp nhận mức án 9 tháng cải tạo không giảm giữ và bị phạt 7,5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Hay gần đây, năm 2009 là trường hợp của chị Nguyễn Thị Dương, ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, cộng với18 tháng thử thách vì trèo qua dải phân cách, gây tác động khiến một người điều khiển xe máy đâm vào lề đường, tử vong. Tuy nhiên, những vụ việc được xử lý công minh như trên hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rõ ràng, đã đến lúc các cơ quan chức năng mạnh tay hơn với những vi phạm liên quan tới người đi bộ. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc đảm bảo ATGT cho bản thân người đi bộ mà còn đối với những người tham gia giao thông khác. Quan trọng hơn, việc làm này sẽ góp phần xây dựng văn hóa đi bộ của người dân ở Thủ đô. (Còn nữa)
Kinhtedothi - Người đi bộ sang đường vi phạm luật giao thông trên đường Hồ Tùng Mậu. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), trong năm 2013, có 37 người đi bộ bị chết trong các vụ TNGT. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 8 người đi bộ bị thiệt mạng vì TNGT. |