Nghị định 91/2011/NĐ-CP gồm IV chương, 34 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại Chương II của Nghị định là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Điều 15 của Nghị định quy định phạt từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới. Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định, đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức còn có thể bị áp dụng một hoặc các hành thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bị xử phạt gồm hành vi cản trở, không khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; cha mẹ, người giám hộ bỏ rơi trẻ em; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em để trục lợi; cho trẻ em tiếp tục với sản phẩm văn hóa, thông tin có nội dung khiêu dâm, bạo lực. Đánh đập, ngược đãi trẻ em; xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự người khác; cản trở việc học tập của trẻ; lạm dụng sức lao động, sử dụng trẻ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật..., cũng là một trong những hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thời hạn xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là 1 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện Nghị định 91/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 2/12 tới./.