Theo Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, sau khi tiếp quản Ngân hàng Xây dựng (VNCB), ông Phạm Công Danh (Chủ tịch VNCB) đã họp HĐQT VNCB để bàn chủ trương dùng số tiền dư tiền gởi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các tổ chức tín dụng làm tài sản bảo đảm cho các khách hàng vay vốn mà VNCB có tiền gửi làm tài sản đảm bảo.
|
Ông Trầm Bê (Ảnh: Internet) |
Cuộc họp này diễn ra ngày 23/3/2013, gồm ông Danh, Mai Hữu Khương, Vũ Bạch yến, Trần Hiệp (các thành viên lãnh đạo VNCB) và em trai ông Danh là Phạm Công Trung. Kết thúc cuộc họp, ông Danh ký ban hành Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐQT đồng ý chủ trương này.
Sau đó, vào ngày 19/4/2013, ông Danh cùng Phan Thành Mai, Nguyễn Quốc Viễn đến Trụ sở Sacombank (166-268, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) liên hệ vay tiền. Tại đây ông Danh vào gặp trực tiếp ông Trầm Bê đề nghị cho vay tiền. Ông Trầm Bê dẫn ông Danh sang phòng ông Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi tại VNCB.
Sau khi được ông Trầm Bê và ông Khang đồng ý chủ trương, ông Danh gọi Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn vào phòng ông Khang để giới thiệu với ông Khang. Ông Khang đã giao cho ông Phan Đình Tuệ (thành viên HĐTD Sacombank, phó Tổng giám đốc) tổ chức triển khai cho ông Danh vay tiền theo chỉ đạo của ông Trầm Bê.
Rời Sacombank, ông Danh về trụ sở Tập đoàn Thiên Thanh và họp ngay và phân công: Ông Phan Thành Mai chuẩn bị nguồn tiền để bảo lãnh; ông Khương, ông Viễn lo hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các Công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh; ông Mai Hữu Khương là đầu mối chính lập, hoàn chỉnh hồ sơ vay…
Để gấp rút vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, ông Danh giao Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn gặp ông Phan Đình Tuệ và đem theo 6 bộ hồ sơ của 6 Công ty (bản photocopy) sang Sacombank vay tiền. Trong đó, Công ty Nhất Nhất do Nguyễn An Vinh làm giám đốc, vay 250 tỷ đồng; Công ty Quốc Thắng do Nguyễn Ngọc Thái làm giám đốc, vay 350 tỷ đồng; Công ty Bảo Gia do Lê Đài làm giám đốc, vay 340 tỷ đồng; Công ty Đại Long do Nguyễn Hồng Dũng làm giám đốc vay 310 tỷ đồng; Công ty Hương Việt do Nguyễn Thị Kim Vân làm giám đốc vay 300 tỷ đồng và Công ty Thành Thành Công do Lê Văn Lương làm giám đốc, vay 250 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang, ông Phan Đình Tuệ đã gọi ông Bùi Văn Thành (giám đốc Sacombank – CN Hưng Đạo) và bà Trần Thị Hải Triều (giám đốc Sacombank – CN quận 8) để triển khai cho vay theo danh sách 6 công ty mà Mai Hữu Khương đem đến. Ông Tuệ phân cho CN Hưng Đạo tiếp nhận 2 hồ sơ cho 2 Công ty Nhất Nhất Vinh và Quốc Thắng vay 600 tỷ đồng. CN quận 8 cho 4 Công ty còn lại vay 1.200 tỷ đồng.
Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt các tờ của Sacombank – CN Hưng Đạo và Sacombank – CN quận 8 - qua đó thuận cấp tín dụng cho 6 công ty của ông Danh, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất đảm bảo margin cho vay 3%/năm, giải ngân trước, VBCB bổ sung chứng từ sử dụng vốn đầy đủ sau giải ngân, chuyển tiền giải ngân vào tài khoản Công ty Thiên Thanh Long Hải.
Khoảng đầu giờ chiều ngày 26/4/2013, Mai Hữu Khương triệu tập giám đốc 6 công ty nêu trên đến để ký các hợp đồng do Sacombnak soạn sẵn mang đến. Đáng lưu ý là cũng trong ngày này, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank đều được chuyển vào tài khoản 214439 của ông Danh tại ACB – CN Phú Thọ.
Qua phi vụ vay 1.800 tỷ đồng này, Cơ quan chức năng cho rằng Sacombank của ông Trầm Bê có sai phạm là cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay và khả năng hoàn trả nợ vay. Điều này ông Trầm Bê và Sacombank vi phạm quy định Khoản 3, Điều 7 Quyết định 1627 của NHNN. Tại Hợp đồng bảo lãnh, ông Phan Thành Mai ký mà không có chữ ký của Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và Người thẩm định khoản vay bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh tại Khoản 5 Điều 7 Quyết định 1627.
Mặt khác Sacombank lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 21 Quyết định 1627 và Khoản 3 Điều 94 Luật các TCTD… Và, với những sai phạm này, ông Trầm Bê và thuộc cấp bị bắt và điều tra nhằm làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.