Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đội vốn hơn 1.900 tỷ đồng?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự ân cao tốc Cao Lãnh – An Hữu “đội vốn" tới hơn 1.900 tỷ đồng, được cho là do địa chất yếu nhiều hơn dự kiến và kinh phí bồi thường tăng cao.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đội vốn hơn 1.900 tỷ đồng (ảnh minh họa).
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đội vốn hơn 1.900 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Trong tờ trình trên, Bộ GTVT cho biết, dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022 có mức đầu tư dự án khoảng 5.886 tỷ đồng, từ vốn ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại tỉnh Đồng Tháp cần khoảng 1.267 tỷ đồng, tăng khoảng 869 tỷ đồng như dự kiến tại chủ trương đầu tư dự án thành phần 2.

Nguyên nhân khiến kinh phí bồi thường tăng cao như vậy là do trong quá trình thực hiện, dự án có biến động về đơn giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát chi tiết địa chất dự án thành phần 2 cho thấy đất yếu xuất hiện trên toàn bộ chiều dài tuyến, có một số khu vực chiều sâu đất yếu từ 40-60m, lớn hơn nhiều so với dự kiến.

Việc sử dụng giải pháp xử lý đất yếu trên phạm vi lớn khiến kinh phí xây dựng, thiết bị tăng lên thành 2.192 tỷ đồng - tăng khoảng 717 tỷ đồng so với 1.475 tỷ đồng được duyệt trong chủ trương đầu tư dự án thành phần 2.

Tổng hợp lại, tổng mức đầu tư của cao tốc Cao Lãnh – An Hữu từ khoảng 5.886 tỷ đồng ban đầu nay bị đội lên khoảng 7.822 tỷ đồng - tức là tăng tới 1.936 tỷ đồng. Trong đó dự án thành phần 1 tăng khoảng 151 tỷ đồng và dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.785 tỷ đồng.

Được biết, theo quyết định của Thủ tướng, trường hợp dự án thành phần do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện tăng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết hiện nay ngân sách của tỉnh rất khó khăn, không còn nguồn để bố trí cho phần tăng thêm của tổng mức đầu tư dự án. HĐND tỉnh không thể thông qua nghị quyết để bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng với 3,81km dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vì Luật Ngân sách không cho phép.

UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh của dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trình Thủ tướng phê duyệt; bố trí vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương sớm triển khai dự án thành phần 2.

 

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, chi phí giải phóng mặt bằng tăng do ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi số liệu giải phóng mặt bằng dự kiến trên bản đồ. Còn ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi khối lượng này được tính chính xác theo hồ sơ khảo sát, thiết kế và rà soát diện tích từng loại đất, cây cối, vật kiến trúc. Thứ hai, ở bước nghiên cứu khả thi, đơn giá bồi thường được cập nhật theo đơn giá thời điểm thực tế và khung chính sách bồi thường được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2023 nên tăng so với bước lập báo cáo tiền khả thi.