Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao công nghiệp - xây dựng tăng chậm lại?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Nếu 9 tháng năm 2015, tốc độ tăng của ngành công nghiệp – xây dựng đạt 9,72%, thì 9 tháng năm nay chỉ tăng 7,5%.

Đối với công nghiệp, tốc độ tăng GDP thấp hơn tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (tăng 7,19% so với tăng 7,4%).
 Ảnh minh họa
Điều đó chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian cao lên, thể hiện hiệu quả đầu tư giảm, chi phí sản xuất tăng... Trong khi đó, ngành xây dựng, do thị trường bất động sản không còn ấm lên như năm trước, sản xuất ra khá nhiều nhưng tiêu thụ còn chậm. Điều đó dẫn đến tình trạng nợ xấu ngân hàng khó giảm hoặc giảm không thực chất.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cùng với các lĩnh vực khác, ngành công nghiệp - xây dựng cũng cần những giải pháp quyết liệt. Trước hết, cần khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đăng ký thành lập DN, tập trung cho kinh tế thực; ngăn chặn tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động đang diễn ra nhiều, tăng liên tục, trong thời gian dài như vừa qua. Tình trạng khởi nghiệp chưa nhiều do lòng tin vào việc cải thiện môi trường kinh doanh còn thấp, thủ tục hành chính còn phải được cải thiện hơn nữa... Tình trạng phá sản, dừng kinh doanh hoạt động do nợ xấu, do việc tiếp cận vốn khó khăn, do tỷ suất lợi nhuận trước thuế thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng, do thị trường bất động sản - nguyên nhân chủ yếu của nợ xấu vừa mới ấm lên đã lo sợ bong bóng, muốn thắt chặt tín dụng... đã chững lại. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN, trong khi đến nay mới đạt trên một nửa, trong khi có hàng triệu cơ sở cá thể sản xuất, hàng chục nghìn HTX, trang trại… Một giải pháp quan trọng là tăng tổng cầu. Bởi về quy mô tuyệt đối thì tổng cầu vẫn còn nhỏ hơn tổng cung. Có thể nới lỏng một bước chính sách tiền tệ. Hạ lãi suất cùng với giải quyết nợ xấu một cách thực chất hơn sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng cao hơn. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngừng phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng cường chiết khấu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu), đẩy nhanh thị trường mở... Ngăn chặn sự phá sản, tạm dừng hoạt động của các DN là giải pháp giữ và tăng thu nhập cho người lao động, tăng sức mua có khả năng thanh toán, tăng tổng cầu. Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, tiếp tục kiểm soát nhập khẩu. 9 tháng so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm, nhưng vẫn còn rất lớn, lại nhập siêu tăng từ Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia... Cùng với đó là cơ cấu lại 2 khu vực kinh tế (khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên dưới 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - xây dựng và chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khắc phục tình trạng “2 nền kinh tế trong một quốc gia”, “xuất khẩu hộ, tiêu thụ giùm”...