Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Hòn Thiên Nga là hòn nhỏ và chúng tôi đã nhận được báo cáo của đơn vị quản lý”, ông Hà khẳng định. Nguyên nhân hòn Thiên Nga cụt đầu là do bị trượt tự nhiên. Cụ thể, 30% hòn Thiên Nga nhỏ đã bị trượt xuống biển. Hình ảnh hòn Thiên Nga cụt đầu được ông Cấn Đình Loan, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ trên trang cá nhân của mình ngay lập tức đã gây xôn xao. Nhiều người ban đầu cho rằng ông Loan đã sử dụng kỹ thuật fotoshop để đùa. Nhưng khi biết thông tin này là chính xác, không phải vui đùa thì ai nấy đều tiếc nuối trước một kỳ thiên thiên nhiên bị đổ.
Hình ảnh Hòn Thiên Nga "cụt đầu" được tác giả Cấn Đình Loan chia sẻ. |
Ông Cấn Đình Loan, cho biết: “Ảnh hòn Thiên Nga cụt đầu tôi chụp trong chuyến đi thực tế sáng tác của Chi hội nhiếp ảnh Tiên Yên hồi 14giờ 44 phút ngày 4/6/2016”. Theo hồ sơ của Ban quản lý danh thắng Hạ Long, hòn Thiên Nga là một đảo đá đang nổi bồng bềnh trên mặt vịnh Bái Tử Long, hình thù giống như một con Thiên Nga bị lạc đàn, đang bập bềnh trên sóng nước đầy quyến rũ và ấn tượng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đoàn Đức Chính, một thành viên trong chuyến đi thực tế sáng tác ngày 4/6/2016 chia sẻ thêm, nguyên nhân hòn Thiên Nga cụt đầu là do phong hóa.
Hòn Thiên Nga khi còn nguyên vẹn (Ảnh ngày 11/8/2013 do NSNA Cấn Đình Loan cung cấp). |
“Người dân cho biết sau trận mưa lớn đầu năm nay đảo đá bị trượt phần đầu xuống biển. Khi chúng tôi đến nơi thì đảo đầu Thiên Nga đã tùm xuống và nằm yên dưới đáy biển từ lâu rồi”, ông Chính nói. Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Các đảo đá trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long được cấu tạo bởi các khối đá vôi xếp chồng lên nhau hình thành qua các thời kỳ vận động địa chất. Ở giữa các lớp này có một lớp vật chất khác có chức năng liên kết kết dính chúng lại với nhau. Có thể do thời gian, phong hóa hay nước mưa bào mòn hoặc là một rung động nào đó các lớp này rời nhau ra, tách ra và trôi trượt xuống biển. Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo có thể khắc phục tình trạng này bằng cách khoan vào các khối đá, bố trí dây, lưới chằng các lớp đá lại kiểu như làm taluy đường để tránh sự trôi trượt đáng tiếc. Được biết, Ban quản lý vịnh Hạ Long đang cùng các đơn vị chức năng phối hợp nghiên cứu để trục vớt phần tảng đá sạt xuống biển.