Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao ngành CN Hà Nội tăng trưởng chậm dần trong 5 năm qua?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là ý kiến của đại biểu (ĐB) Nguyễn Nguyên Quân (tổ Ứng Hòa), tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, chiều 8/7.

Cũng theo ĐB Quân, qua báo cáo đánh giá của thành phố thì 6 tháng đầu năm nay tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ hơn năm 2013, trong khi các tỉnh, thành phố lại tăng hơn. “Điều này cho thấy có phải đây là sức ì của nền kinh tế thành phố, hay các giải pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, kiến nghị thành phố đánh giá sâu hơn vì sao, kinh tế đầu năm tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ, ngành công nghiệp Thủ đô lại tăng trưởng chậm dần trong 5 năm trở lại đây” - ĐB Quân đề nghị.
ĐB HĐND thành phố thảo luận ở tổ về về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014
ĐB HĐND thành phố thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014
Ngoài ra, ĐB Quân cũng cho biết, theo dự báo 6 tháng cuối năm kinh tế Thủ đô tiếp tục gặp khó khăn, như vậy ở đây có phải nguyên nhân đặt chỉ tiêu quá cao và với điều này thành phố có xem điều chỉnh một số chỉ tiêu không? Nếu không điều chỉnh chỉ tiêu thì giải pháp trọng tâm đưa ra để đạt được chỉ tiêu đã đề ra phải như nào.

Theo ĐB Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trong khi kinh tế thế giới có bước phục hồi dù, BĐS có phần ấm lên, đây là hai điều kiện tác động đến tăng trưởng kinh tế Thủ đô, nhưng kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm tăng trưởng vẫn kém hơn cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, năm 2013 kinh tế suy thoái nghiêm trọng hơn, bất động sản không sôi động như đầu năm nay. Thêm nữa, trong khi các tỉnh, thành như: TP.HCM, Bình Dương… tăng trưởng rất tốt. Vì vậy, UBND TP, các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về kinh tế cần có nghiên cứu sâu hơn, xác định các nguyên nhân thực sự làm sao tăng trưởng kinh tế không đạt, lẽ ra ít nhất cũng phải bằng năm ngoái.

Cũng ý kiến về báo cáo KT-XH, ĐB Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) cho biết, trong báo cáo 6 tháng đầu năm, cơ bản các tiêu chí, mục tiêu đặt ra thực hiện khá tốt, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo ĐB Diên Hà Nội vẫn tiềm ẩn nợ đọng, nợ xấu, với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị thì tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn; vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nông thôn, nhiều nơi có sử dụng nước có nhiễm Asen, việc xử lý môi trường qua giám sát của HĐND tại các khu công nghiệp chưa được chú trọng, nhất là đầu tư cho việc đầu tư vào xử lý ô nhiễm môi trường; việc thực hiện bình ổn giá chưa hiệu quả, cần xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp…

Ý kiến về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Thường Tín) nói, hiện thành phố hỗ trợ mức lãi suất 7-8% cho doanh nghiệp, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, những khoản vay cũ vẫn giữ mức 14-15% là bất ổn, khả năng doanh nghiệp rơi vào bẫy lãi suất như năm 2009. Điều này làm cho các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi vì không có tài sản thế chấp đáp ứng mức lãi suất ưu đãi. Do vậy,  kiến nghị thành phố có biện pháp để doanh nghiệp có thể vay được.

“Năm trật tự và văn minh đô thị” thực hiện chưa đạt kết quả như mong đợi

ĐB Hồ Quang Lợi cho biết, năm 2014 được chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thành phố ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt nhưng chuyển biến trên thực tế chưa rõ, nhiều khu phố vẫn chưa văn minh, chưa trật tự, thậm chí rất lộn xộn. So sánh với năm 2013 chưa có thay đổi tích cực. Do đó, 6 tháng cuối năm cần quyết liệt hơn nữa về chỉnh trang đô thị, an toàn giao thông và nếp sống…

Ngoài ra, về các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, chất lượng là vẫn vấn đề nóng. “Đường ống dẫn nước sông Đà đã vỡ lần thứ 7, và sẵn sàng có lần thứ 8, 9. Một công trình thiết yếu như vậy mà từ khâu thiết kế, giám sát, thi công như thế nào lại để vỡ liên tục như vậy. Tôi cho đây là việc nghiêm trọng. Mỗi lần vỡ là hàng vạn dân bị ảnh hưởng. Thứ 2 là vỉa hè làm ăn gian dối. Chúng ta sẽ truy cứu trách nhiệm, xử lý người liên quan như thế nào để trả lời người dân. HĐND cần có ý kiến quyết liệt để chấn chỉnh lại những việc làm trên” - ĐB Hồ Quang Lợi ý kiến.

Cũng ý kiến về việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, ĐB Nguyễn Thị Xuân Nữ (tổ Cầu Giấy) cho biết, “Năm trật tự và văn minh đô thị” thực hiện chưa đạt kết quả như mong đợi. Cụ thể, việc quy hoạch quảng cáo trên địa bàn thành phố được thống nhất. Vì vậy, thành phố cần sớm có quy hoạch quảng cáo để bộ mặt thành phố đảm bảo sự thống nhất, tạo cho bộ mặt Thủ đô luôn sạch, đẹp. Bên cạnh đó, qua giám sát vấn đề văn hóa xã hội vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Việc tiến độ thực hiện công trình trọng điểm còn chậm do nguồn vốn chưa đáp ứng để triển khai nên chưa đạt như yêu cầu đề ra…

Xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố

Cùng cho ý kiến về vấn đề nước sạch hiện nay các ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) cho biết, nước sạch nông thôn là điều đáng lo ngại, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP đã có khảo sát liên quan đến chỉ tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn. Khoảng cách nước sạch đô thị và nông thôn đang có khoảng cách lớn. Các giải pháp thời gian qua đang dần hướng tới chỉ tiêu NSNT vào năm 2015. Nhưng với nguồn lực hiện nay gặp khó khăn kể cả công trình xã hội hóa, đặc biệt là các địa phương phía Tây và các quận huyện sử dụng nước sạch sông Đà như Thạch Thất, Chương Mỹ.

Cũng nêu ý kiến về nước sạch, ĐB Nguyễn Văn Hải, Bí thư quận Nam Từ Liêm nói, nước sạch cần được thành phố quan tâm, bởi đây là liên quan trực tiếp sức khỏe của người dân. Việc Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 cấp nước có hàm lượng Asen cao gấp hơn 4 lần cho phép, cho thấy cần xem xét lại sự phục vụ của các đơn vị cung cấp nước sạch; kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận ở tổ về đề án quản lý quỹ nhà ở biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội.