Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao người Việt sợ ăn... rau

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Người Việt Nam có quan niệm trong mâm cơm gia đình ngoài các món chính thịt, cá, bắt buộc phải có rau xanh.

Thế nhưng, một kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế khiến nhiều người bất ngờ khi có đến hơn 57% người Việt không sử dụng đủ khẩu phần rau, trái cây hàng ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Thà ăn ít còn hơn… ăn bẩn
Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên rau xanh không thiếu. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến nhiều người Việt “ngại” ăn rau chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Chị Lê Thu Hương (quận Hoàng Mai) chia sẻ, mấy năm trở lại đây báo, đài liên tục thông tin về tình trạng rau xanh bày bán tràn lan ngoài chợ có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao nên chị cũng hạn chế mua. Thay vào đó, chị Hương trồng rau trong thùng xốp tại nhà, nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của gia đình. Không chỉ chị Hương, nhiều gia đình sống ở ngoại thành Hà Nội, hiểu rõ câu chuyện về hai luống rau, một để bán, một để ăn khiến cho nhiều người cảm thấy bất an mỗi khi ra chợ. “Có lần ăn rau cải mua ở chợ, cả nhà được phen “Tào Tháo đuổi” nên từ đấy hãn hữu lắm tôi mới mua rau bên ngoài” - chị Nguyễn Hương Mai (huyện Thường Tín) cho hay.

Chọn rau, củ, quả theo mùa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Lý

Chẳng phải ngẫu nhiên người Việt "sợ" ăn rau, bởi lẽ theo thống kê của Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận 40 - 50 ca ngộ độc thực phẩm cấp tính, trong đó không ít trường hợp nhập viện do ăn phải rau chứa nhiều hóa chất. Do vậy, tâm lý của nhiều bà nội trợ cho rằng: “Thà ăn ít còn hơn ăn bẩn”. Ngoài nỗi lo rau không sạch, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam còn chưa có thói quen ăn rau trong các bữa ăn, nhất là trẻ em.
Trái cây không thể thay thế rau xanh
Theo bác sĩ Doãn Thị Tường Vi – Viện Dinh dưỡng lâm sàng, việc không sử dụng đủ rau tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì rau là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Thiếu rau sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng trên làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Thiếu rau trong khẩu phần dẫn đến thiếu chất xơ nên dễ gây ra tình trạng táo bón, cơ thể không đào thải được các chất độc và phát sinh bệnh tật. Ngoài ra, việc sử dụng hoa quả với mục đích thay thế rau xanh là không phù hợp. Bởi lẽ, rau có hàm lượng chất xơ nhiều hơn trong hoa quả.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi lưu ý, các bà nội trợ nên chọn mua rau ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận về rau an toàn. Hoặc có thể mua của người quen biết rõ quy trình trồng rau của họ an toàn. Chọn rau tươi, ngon, không bị dập nát, nên chọn rau theo mùa, không nên mua rau trái vụ vì những rau này thường sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có khi vượt quá giới hạn cho phép. Nếu thấy các loại rau có màu khác lạ, hình thức to hơn, vẻ ngoài bóng bảy không giống rau bình thường thì cần cảnh giác, vì có thể đó là rau không an toàn. Đặc biệt, trong khi chế biến, nếu rau nghi ngờ không an toàn có thể kiểm tra nước canh hoặc nước luộc, nếu thấy biến đổi màu, mùi khác lạ thì không nên sử dụng. Khi đun nấu, với rau không rõ nguồn gốc, nên mở nắp vung để nếu có thuốc trừ sâu có thể bay bớt ra ngoài.
Theo khuyến cáo của WHO, khối lượng rau, quả cần thiết với một người trưởng thành là 400gram/ngày. Như vậy mỗi ngày dùng tối thiểu khoảng 300gram rau và 200gram hoa quả tươi và mỗi bữa có thể dùng tối thiểu 100gram rau.