Một nguồn tin thân cận liên quan đến đàm phán TPP cho biết, đầu tháng 3 là hạn cuối để ký kết TPP-11. Tokyo rất muốn phê chuẩn hiệp định ngay tại phiên họp Quốc hội đầu năm, bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 6 bởi nền kinh tế thứ 3 thế giới còn hướng tới mục tiêu ký kết một hiệp định đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, nếu TPP-11 không được thông qua như kế hoạch, thì Nhật Bản sẽ gặp khó khăn khi cùng lúc ký kết 2 hiệp định quan trọng. Ngoài ra, Tổng thống đương nhiệm Chile Michelle Bachelet sẽ có người kế nhiệm lên nắm quyền vào 11/3. Vì vậy, người đứng đầu Chile muốn đạt được thành công trong hiệp định này sớm nhất có thể để tránh rủi ro.
Đầu năm sau, các nhà đàm phán trưởng từ 11 nước còn lại sẽ có cuộc họp ở Nhật Bản để thống nhất lại chi tiết của hiệp định. Sau đó, văn bản được dịch ra ngôn ngữ của các nước thành viên và tiến hành xem xét mặt pháp lý của từng nước. Nhật Bản kỳ vọng các bên có thể ký hiệp định chính thức cuối cùng vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Tiếp theo, Hiệp định sẽ đi vào giai đoạn chính thức thực hiện ở mỗi nước.
Hồi tháng 11/2017, phiên bản mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã điều chỉnh hiệp ước ban đầu để có thể có hiệu lực sau 60 ngày sau khi ít nhất 6 trong số 11 nước ký kết hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước.Về việc 11 nước thành viên TPP-11 đã đạt được thỏa thuận căn bản và đổi tên thành CPTPP, ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một động thái tích cực, phản ánh tiến trình hội nhập liên kết trong khu vực. Đặc biệt, theo dự kiến ban đầu, sẽ có khoảng 40 - 50 điều khoản tạm hoãn, nhưng nay rút xuống chỉ còn 20 điều, cho thấy tinh thần tích cực của tất cả 11 nước và khẳng định, tinh thần hội nhập liên kết khu vực, tự do thương mại vẫn là chủ đạo. Vế vấn đề thực thi, việc CPTPP được phép có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước ký thông qua không phụ thuộc vào tỷ trọng GDP trong các nước thành viên đặt ra kỳ vọng tăng tốc thực thi của hiệp định mới.
Cho rằng TPP-11 có lợi cho Việt Nam ngay cả khi không có Mỹ, bà Virginia Foote - Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) kỳ vọng, TPP-11 sẽ tiếp tục tiến triển, 11 quốc gia có thể kết thúc đàm phán và ký thông qua, đưa TPP-11 trở thành thỏa thuận thương mại chính thức và có hiệu lực. Cần lưu ý, thiết kế của TPP là một thỏa thuận mở mà các quốc gia đều có thể tham gia, không chỉ với Mỹ mà với cả nhiều quốc gia châu Á khác. Vì thế, khi TPP-11 khởi đầu, sau đó sẽ là TPP-12, TPP-13 hay thậm chí là TPP-14, không chỉ với Mỹ mà còn với nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Á khác cũng đang tỏ ý quan tâm.