Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lừa đảo mạo danh trên không gian mạng tuy không còn mới nhưng chiêu thức lại ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dân tại Việt Nam và trên thế giới sập bẫy, bị chiếm đoạt tài sản.

Trong các nội dung ‘Điểm tin tuần’ về tình hình lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian gần đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) liên tục cảnh báo về các thủ đoạn biến tướng của hình thức lừa đảo mạo danh. Trong tuần từ ngày 10/6 đến 16/6, cùng với nhận định lừa đảo mạo danh đang ngày càng tinh vi hơn, Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người dùng Internet trong nước về một số chiêu thức lừa đảo đang được các nhóm tội phạm mạng sử dụng phổ biến:

Hình thức lừa đảo mạo danh ngày càng tinh vi và lan rộng trên không gian mạng Việt Nam.
Hình thức lừa đảo mạo danh ngày càng tinh vi và lan rộng trên không gian mạng Việt Nam.
Mạo danh các đơn vị của Bộ GD&ĐT để lừa đảo tuyển dụng

Theo Cục An toàn thông tin, gần đây, các đối tượng lừa đảo đã tạo website, nhóm Zalo, email mạo danh các đơn vị của Bộ GD&ĐT để đăng tải, cung cấp những thông tin, hình ảnh sai sự thật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng còn lồng ghép quảng cáo việc “Tiếp nhận hồ sơ Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng, Thủ quỹ ”; "Đóng góp quỹ an sinh cho trẻ em vùng cao"..., với cam kết người tham gia sẽ được công tác tại các đơn vị trong Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT khẳng định không phối hợp hay ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các chương trình kể trên.

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 1

Khuyến cáo người dân cẩn trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người dân không nghe theo hướng dẫn, không liên hệ với các website/ Fanpage có nội dung quảng cáo dịch vụ “Tiếp nhận hồ sơ Hiệu trưởng/ Phó Hiệu trưởng, Thủ quỹ ”; "Đóng góp quỹ an sinh cho trẻ em vùng cao". Người dân cũng không chuyển tiền cho các đối tượng để được hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ; Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng với chiêu lừa đầu tư vào dự án giả mạo

Một phụ nữ tại Hà Nội vừa bị đối tượng quen trên mạng xã hội lừa gần 1,4 tỷ đồng, với chiêu lừa đảo mời tham gia đầu tư vào dự án có tên “Vinpearl” (giả mạo dự án của Vingroup) và mở tài khoản theo đường dẫn “vinpearl1.vingroupsvn.com”. Sau khi làm theo hướng dẫn, chuyển gần 1,4 tỷ đồng vào các tài khoản do đối tượng cung cấp, nạn nhân không thể rút được tiền dù đầu tư có lãi và được yêu cầu tiếp tục nạp thêm tiền. Nghi ngờ bị lừa, nạn nhân đã trình báo công an.

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 2

Theo phân tích của Cục An toàn thông tin, vụ lừa đảo trên là chiêu lừa bắt đầu bằng việc xây dựng mối quan hệ tình cảm để lấy lòng tin của nạn nhân, sau đó mời đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản. Để phòng tránh, người dân cần cảnh giác với các đối tượng làm quen qua mạng xã hội; Xác minh danh tính của đối tượng bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ và thậm chí là đề nghị gặp gỡ trực tiếp. Người dân cũng cần cảnh giác trước các yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc; Không nên vội vàng làm theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo

Cục An toàn thông tin cho biết, tình trạng người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số để chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Các đối tượng tổ chức hội nghị, hội thảo lồng ghép giới thiệu quảng cáo về chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, với mức lợi nhuận rất cao để lôi kéo người dân, nhà đầu tư. Đối tượng yêu cầu người dân, nhà đầu tư chuyển tiền trước khi bắt đầu giao dịch; thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ. Khi thấy người dân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản...

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 3

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số; Nên tìm sự tư vấn từ chuyên gia, luật sư trước khi đầu tư để tránh mất tiền từ các sàn đầu tư, công ty lừa đảo. Người dân cũng không nên tham gia vào các hoạt động sự kiện, hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư liên quan đến tài chính, chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Giả danh nhân viên, lãnh đạo Công ty xổ số để lừa bán số lô đề

Công an huyện Yên Định (Thanh Hóa) vừa điều tra, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho số lô, số đề. Cụ thể, các đối tượng tạo lập nhiều tài khoản Facebook ảo và đăng tải các bài viết giả danh nhân viên, lãnh đạo Công ty xổ số kiến thiết miền Bắc và cho biết chúng có khả năng biết trước, can thiệp được kết quả quay thưởng xổ số nên có thể cho các nạn nhân số lô, số đề chính xác 100%.

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 4

Trước chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác với những dịch vụ trôi nổi trên mạng xã hội; Không sử dụng bất kỳ hình thức dịch vụ nào khi chưa xác minh danh tính và uy tín của đối tượng, tổ chức; Không vội vàng thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng; Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an.

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mời làm việc online tại nhà

Chính quyền Ấn Độ mới đây đã có cảnh báo về sự xuất hiện của thủ đoạn lừa đảo bằng những tin nhắn mời gọi làm việc tại nhà, hứa hẹn người tham gia sẽ được trả lương hấp dẫn. Kẻ lừa đảo sẽ gửi những tin nhắn giả mạo các tập đoàn, công ty có tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau khi liên hệ, đưa ra yêu cầu hoàn thiện thủ tục đăng ký và trả một khoản phí, đối tượng gửi đường link để nạn nhân điền thông tin ngân hàng. Những thông tin này được đối tượng dùng để giao dịch chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản ngân hàng của chúng, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP. Lúc này, nạn nhân tưởng rằng đây là giao dịch thanh toán phí làm thủ tục. Sau khi chiếm đoạt tiền thành công, các đối tượng chặn tin nhắn của nạn nhân, xóa hết các thông tin trên trang cá nhân.

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 5

Cục An toàn thông tin khuyến nghị, khi nhận được những tin nhắn qua các nền tảng mạng xã hội với nội dung như trên, người dân cần báo cáo các tài khoản đó; Không bấm vào bất cứ đường link các đối tượng gửi và không cung cấp thông tin cá nhân; Không cài đặt bất kỳ ứng dụng nào từ đường link lạ, không bật chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trên smartphone.

Mất tiền do sập bẫy lừa đảo email của nhóm tin tặc mạo danh

Mới đây, chính quyền thị trấn Arlington (Massachusetts, Mỹ) đã mất hơn 445.900 USD (tương đương gần 11,3 tỷ đồng), vì mắc bẫy lừa đảo của một nhóm tin tặc mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng. Thị trấn đã bị lừa chuyển tiền theo định kỳ hằng tháng để phục vụ quá trình xây dựng trường học.

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 6

Ban đầu, nhóm tội phạm chiếm quyền kiểm soát tài khoản email thuộc quyền sở hữu của các nhân viên làm việc trong bộ phận quản lý ngân sách của thị trấn. Với việc truy cập được vào hệ thống thư điện tử, nhóm đối tượng có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung tin nhắn, xóa và tắt thông báo khi có tin nhắn mới. Nhờ đó, chúng dễ dàng mạo danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng mà thị trấn đang hợp tác, gửi tin nhắn cho đội ngũ nhân viên với yêu cầu thay đổi hình thức thanh toán từ trả bằng tiền mặt sang chuyển khoản trong thời hạn 4 tháng định kỳ.

Từ vụ việc trên, ngoài yêu cầu chú trọng bảo mật hệ thống, Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức thường xuyên phổ biến về các hình thức lừa đảo cho các cán bộ, nhân viên. Trước khi chuyển tiền, người dân cần kiểm tra kỹ danh tính của đối tượng, thông qua số điện thoại chính thống hoặc trực tiếp gặp mặt. 

Vì sao nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo mạo danh trên không gian mạng? - Ảnh 7

Giả danh nhân viên gìn giữ hòa bình để lừa đảo chiếm đoạt tài sảnBằng cách giả danh nhân viên gìn giữ hòa bình cần nhờ người nhận hộ tiền gửi từ nước ngoài về Việt Nam, đối tượng lừa đảo đã lừa chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của một phụ nữ ở Bình Phước.