Hóa giải vấn đề này ra sao để hướng đến lợi ích quốc gia (vì VNM là DN có đóng góp ngân sách lớn) là mối quan tâm hiện nay.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi tại Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk).Ảnh: Hùng Việt
Phủ quyết vì ngại bớt quyền?
Hiện SCIC - cổ đông lớn Nhà nước đang nắm 45% vốn điều lệ của Vinamilk. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ), SCIC nói không với ESOP. Theo yêu cầu của nhóm cổ đông lớn, Hội đồng quản trị (HĐQT) VNM trình ĐHCĐ phê duyệt Chương trình phát hành cổ phiếu cho nhân viên giai đoạn 2012 - 2016. Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế giai đoạn này, tính từ năm 2011, đạt mức 21% thì VNM sẽ phát hành ESOP tương đương 0,4% vốn điều lệ/năm. Nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế giai đoạn này đạt từ 16% đến dưới 21% thì lượng phát hành ESOP tương đương 0,2% vốn điều lệ/năm. Nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dưới 16% thì VNM sẽ không phát hành ESOP. Giá phát hành bằng giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Dĩ nhiên, đây là chương trình rất có lợi cho người lao động VNM vì giá sổ sách tính đến cuối năm 2012 chỉ 19.000 - 20.000 đồng, trong khi trên thị trường giá cổ phiếu của VNM khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, khi được các cổ đông khác chất vấn, ông Lê Song Lai, đại diện của SCIC tại Vinamilk nói SCIC không muốn phát hành ESOP vì sợ tỷ lệ cổ phần của SCIC bị pha loãng. Khoảng 1,2%/năm. Ngoài ra, chế độ lương thưởng đối với người lao động tại VNM hiện ở mặt bằng cao so với mức chung. Lý lẽ của đại diện SCIC đã không được nhiều cổ đông và lãnh đạo VNM ủng hộ. Tại đại hội, một cổ đông đã đứng lên phát biểu rằng, ESOP là chương trình quan trọng để giữ chân người tài cho Vinamilk, trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành sữa gay gắt như hiện nay, Vinamilk cần phải giữ được lực lượng nhân sự giỏi nhiều kinh nghiệm đang bị lôi kéo bởi các DN khác.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk phân tích, từ khi cổ phần hoá tới nay, Vinamilk đã tăng trưởng tới 60 lần, tương đương 6.000% thì tỷ lệ pha loãng 1,2% mà SCIC lo lắng kia là quá nhỏ, liệu có đáng kể so với giá trị mà lực lượng nhân sự của Vinamilk mang lại.
Thấy gì qua động thái của SCIC
SCIC từng thừa nhận, Vinamilk là DN có đóng góp lớn nhất trong nguồn thu của SCIC. Các số liệu cho thấy, nếu "SCIC không Vinamilk" thì SCIC sẽ mất đi 2/3 lợi nhuận, chỉ còn 17.000 tỷ đồng thay vì 50.000 tỷ đồng như trong báo cáo tài chính mới đây, kéo theo giá trị tăng thêm của danh mục đầu tư so với giá trị đầu tư ban đầu sẽ chỉ bằng 1/8 so với hiện tại. Vậy thì, không khó hiểu khi SCIC bằng mọi cách duy trì sự hiện diện quan trọng và quyền lực tại DN này.
Sau cổ phần hóa, VNM hoạt động theo hình thức công ty CP, theo đo, quyền lực và tiếng nói quyết định thuộc về những cổ đông có tỷ lệ sở hữu CP cao nhất tại DN. Tuy nhiên, SCIC và VNM là những cổ đông và DN đặc biệt. SCIC là cổ đông đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước tại VNM, vì thế các quyết định của SCIC sẽ được thị trường đánh giá cao nếu xuất phát trên quyền lợi chung. Trong khi đó, VNM là DN có vốn góp Nhà nước lớn nhất. Những động thái, quyết sách của VNM nếu vì lợi ích cá nhân của một bộ phận nào đó trong DN sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, và điều đó phải bị loại bỏ. Thực tế thời gian qua, rất nhiều DN hoạt động hiệu quả, sau cổ phần hóa đã bị biến thành tư nhân hóa khiến tài sản Nhà nước gần như mất trắng.
Câu chuyện ESOP tại VNM không lớn song cũng không nhỏ, và nó cho thấy một điều rõ ràng rằng, mâu thuẫn và sự không bằng lòng đã nảy sinh giữa SCIC và VNM. Đứng trên quyền lợi chung nhất là sự phát triển của DN và đóng góp cho Nhà nước để có sự hòa giải và tìm ra tiếng nói chung, tránh việc những mâu thuẫn nội bộ giữa các cổ đông ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của DN lớn là điều quan trọng nhất lúc này.