Diễn ra chỉ một tuần sau khi Tehran - Islamabad đạt được thỏa thuận quan trọng về xây dựng đường ống khí đốt trị giá 7,5 tỷ USD, chuyến thăm Iran kéo dài 2 ngày (27 - 28/2) của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari được cho là bước đi nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác còn rất mới mẻ này. Vượt qua những bất đồng, nghi ngại liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới, hoàn cảnh thực tế hiện nay buộc hai quốc gia Nam Á này phải xích lại gần nhau hơn nhằm đối phó với những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, Pakistan đang rơi vào tình thế "khát" dầu hơn bao giờ hết và buộc phải tìm kiếm các nguồn năng lượng để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh năm nay sẽ diễn ra cuộc bầu cử quan trọng, thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu được hoàn thành sau một thập niên đàm phán sẽ tạo nên những lợi thế nhất định cho Tổng thống Ali Zardari. Vì thế, không ngạc nhiên khi Islamabad gạt sang một bên những cam kết tài trợ của Mỹ cho các nhà máy nhiệt, thủy điện lớn nhằm giúp Pakistan đối phó với sự thiếu năng lượng triền miên.
Trong khi đó, từng là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC, đến nay, Iran đang lâm vào tình cảnh "khan" tiền nghiêm trọng khi liên tiếp phải hứng chịu các đòn trừng phạt về chương trình hạt nhân của Liên minh châu Âu, Mỹ. Để đối phó với việc thiếu hụt tới 70 tỷ USD ngân sách trong năm tài khóa 2013 từ dầu mỏ, chuyến thăm của Tổng thống Pakistan cũng mở ra hy vọng giúp Iran xuất khẩu từ 10.000 - 50.000 tấn khí hóa lỏng mỗi tháng sang quốc gia láng giềng này. Tuy mối quan hệ "vì ta cần nhau" không thể bảo đảm cho một chương mới trong sự hợp tác thực chất giữa Iran - Pakistan nhưng nó cũng đủ giúp khu vực này yên bình trong một thời gian nhất định.