Hiện Viantex đã và đang tích cực triển khai và đạt hiệu quả cao trong thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) do Chính phủ phê duyệt. Đến thời điểm này, đơn vị đã thoái xong 21/37 DN cần thoái, lượng vốn đã thoái đạt 90% tổng lượng vốn phải thoái (chỉ còn 160 tỷ đồng phải thoái). Tập đoàn cũng bảo toàn được vốn nhà nước và còn có lãi trên 60 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh sắp xếp lại DN, tiến hành dịch chuyển vốn đầu tư theo mục tiêu hiệu quả về đồng vốn, quản lý, nhất là trong liên kết hình thành chuỗi sản xuất theo hướng ODM. Mối quan hệ giữa Tập đoàn và các công ty thể hiện sự gắn kết, hiệu quả hơn.
Kết quả năm 2014, Vinatex đạt doanh thu 50.930 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó kim ngạch xuất khẩu 3,26 tỷ USD, tăng 12% và doanh thu nội địa trên 20.000 tỷ đồng, tăng 10%. Bên cạnh đó, lợi nhuận tăng 5%, thu nhập bình quân đầu người tăng 8% so với năm trước, đạt 5,47 triệu đồng/tháng. Các đơn vị thành viên đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt có thể kể đến các tổng công ty: Phong Phú, Việt Tiến, May 10, May Đức Giang, Dệt may Hà Nội, May Hưng Yên; các công ty May Phương Đông, May Đáp Cầu, Dệt May Huế...
Năm 2015, Tập đoàn Dệt may phấn đấu giá trị SXCN tăng trên 10%, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 12%, thu nhập người lao động tăng trên 8%. Đặc biệt, cổ tức năm 2015 cho cổ đông tối thiểu đạt 5%, phấn đấu trên 6%, và lộ trình phấn đấu chia cổ tức lần lượt là 8% năm 2016 và 10% vào năm 2017.
Ban lãnh đạo Vinatex xác định Công ty mẹ Tập đoàn chính thức chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phẩn từ tháng 2/2015, nên cần đổi mới căn bản về hoạt động. Vì vậy, toàn bộ cơ quan điều hành và cán bộ nhân viên sẽ luôn theo đuổi mục tiêu của Tập đoàn là “quản trị chặt chẽ, tăng tốc đầu tư, phát triển thị trường, tăng cường nhân sự”. Tập đoàn đặt mục tiêu có thể cam kết với các cổ đông về giá trị DN khi Tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung.
Quang cảnh buổi họp báo ngày 16/1
|