Theo kế hoạch, đến hết tháng 9/2017, 100% người dân trên địa bàn Thủ đô được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.
Có thể nói, việc lập sổ theo dõi sức khỏe, đặc biệt là sổ sức khỏe điện tử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân. Qua đó sẽ giúp theo dõi sức khỏe của mọi công dân từ khi sinh ra cho tới khi mất đi và được kết nối liên thông tới các đơn vị y tế trên toàn quốc. Ngoài lợi ích thiết thực đối với người dân thì việc quản lý hồ sơ sức khỏe Nhân dân đối với bác sĩ sẽ nhanh chóng nắm bắt được thông tin tiền sử sức khỏe người bệnh và có hướng điều trị tốt nhất, nhanh nhất. Đối với quản lý cộng đồng thì sẽ có số liệu về sức khỏe dân cư và ngành y tế sẽ có cách ứng phó với tình trạng bệnh tật từng vùng miền, từng khu dân cư. Như vậy, việc triển khai hồ sơ sức khỏe cho Nhân dân sẽ lợi cả đôi đường.
Đề cập đến đề án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời gian qua, do bức xúc của cộng đồng và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, ngành y tế đang tập trung giảm tải tuyến để bệnh nhân không phải nằm ghép. Đến nay, việc giảm tải cơ bản có những kết quả đáng mừng, vậy nên ngành cần tập trung triển khai nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới. Và triển khai hồ sơ sức khỏe cho người dân là việc làm hết sức cấp thiết.Đối với TP Hà Nội, hiện đang phấn đấu triển khai đến 100% các cơ sở y tế trên địa bàn và sẽ kết nối với các tỉnh, thành cùng các bệnh viện T.Ư khác trên toàn quốc khi các đơn vị này thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân. Thực tế, trong 5 năm vừa qua, bình quân một trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm. TP cũng đã thí điểm ở Sóc Sơn về theo dõi sức khỏe cho người bị bệnh mạn tính thành công. Với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, tất cả đã sẵn sàng với một quyết tâm, Hà Nội sẽ thực hiện thành công mô hình này – vì lợi ích của người dân. Trước đó, việc thực hiện thí điểm lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Bắc Ninh và Phú Thọ bước đầu cũng đã đạt được những tín hiệu tích cực.Nhưng, bất kỳ sự thành công nào cũng cần sự hợp sức của cả ba bên: ngành chức năng – chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân. Dù có những ý kiến nghi ngại, lo lắng, băn khoăn về tính khả thi và lợi ích của đề án bởi mô hình này còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Dù trước mắt, khối lượng công việc quá khổng lồ đối với ngành y tế, từ thống kê dân cư, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị. Và, còn đó những khó khăn từ khâu tuyên truyền để dân biết, dân hiểu và “bắt tay” hợp tác với ngành. Nhưng ai nấy đều kỳ vọng, với quyết tâm cao từ lãnh đạo TP đến các cấp, các ngành, trong thời gian tới, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ “số hóa” dữ liệu về sức khỏe mang lại lợi ích cho từng người dân và cả cộng đồng.N.N