Từ các vụ bắn phá vắt ngang biên giới đến việc Thổ Nhĩ Kỳ ép máy bay chở khách của Syria phải hạ cánh để khám xét và quyết định không cho phép máy bay dân dụng của đối phương bay qua không phận của mình... cho thấy hai nước láng giềng đang xô đẩy nhau đến bên bờ vực của nguy cơ xung đột vũ trang công khai và trên diện rộng.
Nguy cơ chiến tranh ấy là hoàn toàn có thật, nhưng rõ ràng không phải là điều có lợi cho cả hai. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thay đổi thể chế hiện tại ở Syria, nhưng không phải bằng cách gây chiến tranh song phương với Damascus, mà thông qua lực lượng chống Chính phủ ở Syria hoặc núp sau NATO hay liên quân nào đó. Damacus phải leo thang căng thẳng với Ankara vì Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đội quân tiên phong trong việc hậu thuẫn phe chống đối Chính phủ ở Syria và can dự quân sự trực tiếp vào tình hình Syria. Nhưng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hại nhiều hơn lợi đối với Chính phủ Syria. Trong thời gian tới, căng thẳng và gay cấn, đối đầu và đụng độ vũ trang giữa hai bên sẽ còn tiếp diễn, nhưng chiến tranh thực thụ như đã từng xảy ra ở Libya thì chưa.
Việc nội bộ ở Syria đã trở thành chuyện giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cả giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và giữa Nga với Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn "hậm hực" về việc Nga, Trung Quốc phủ quyết mọi dự định nhằm sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc làm công cụ gia tăng áp lực chính trị, kinh tế và cả quân sự đối với Chính phủ Syria. Mỹ thậm chí còn coi chính sách của Nga đối với Syria là chính sách đã bị "phá sản về đạo đức". Còn Thổ Nhĩ Kỳ đã làm quan hệ với Nga tồi tệ đi hiếm thấy khi bắt giữ chiếc máy bay nói trên với lý do vận chuyển 300 kg thiết bị quân sự của Nga cung cấp cho Chính phủ Syria, nhưng không dám trưng bày công khai. Phía Nga thì khẳng định đó là linh kiện radar phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu các mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được xử lý ổn thoả thì không thể có được giải pháp ổn thoả cho quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như cho chính vấn đề Syria.