Theo dự kiến, từ ngày 1/1/2018, giá dịch vụ trông giữ xe tại khu vực trung tâm TP Hà Nội (từ Vành đai 3 trở vào) sẽ được điều chỉnh tăng với nhiều mức áp dụng khác nhau. Bảng giá mới được cơ cấu rất chi tiết theo từng khu vực, đối với cụ thể từng loại phương tiện chứ không phải nơi nào cũng tăng và loại phương tiện nào cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần như một số dư luận phản ánh những ngày qua. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, mức giá trông giữ phương tiện mới sẽ có 3 thay đổi chính mà người dân cần quan tâm, tìm hiểu rõ ràng, cụ thể.
|
Một điểm trông giữ xe trên phố Phủ Doãn. Ảnh: Hải Linh |
Thứ nhất, giá trông giữ phương tiện sẽ tăng mạnh tại các điểm trên lòng đường, vỉa hè, nhất là khu vực trung tâm TP, còn trong các bãi đỗ xe tập trung hiện chưa có chủ trương tăng giá.
Thứ hai, trước đây, khi gửi ô tô theo lượt trên vỉa hè, lòng đường không bị giới hạn thời gian, nhưng khi thực hiện quyết định mới, mỗi lượt sẽ chỉ được gửi 1 giờ, sang giờ thứ 2 sẽ tính thành 2 lượt và lũy tiến tiếp. Cụ thể, mức giá hiện hành đối với khu vực bên trong Vành đai 3 (áp dụng theo Quyết định số 58/2016/QĐ - UBND của UBND TP Hà Nội), tính theo lượt thì ô tô dưới 10 chỗ và từ 2 tấn trở xuống từ 10.000 - 30.000 đồng/xe/lượt. Từ 1/1/2018, nhóm phương tiện này sẽ phải trả mức giá mới từ 15.000 - 35.000 đồng/xe/giờ.
Thứ ba, giá trông giữ ô tô trên lòng đường, vỉa hè được phân chia theo số ghế ngồi, tải trọng xe và khu vực. Đắt nhất là tại 12 tuyến phố: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ thuộc quận Hoàn Kiếm; sau đó giảm dần theo hướng từ trung tâm ra Vành đai 1, 2, 3. Ngoài Vành đai 3, giá trông giữ phương tiện giữ nguyên như trước đây.
Theo lý giải của đại diện Sở GTVT Hà Nội, từ 12 tuyến phố thuộc khu vực lõi đô thị ra đến Vành đai 3, hạ tầng giao thông tĩnh đã quá tải nên buộc phải cho tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện. Việc tăng giá trông giữ phương tiện thực chất là một biện pháp kinh tế để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm UTGT và ô nhiễm môi trường cho khu vực này.
Không vì tiềnTại Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND được HĐND TP Hà Nội ban hành vào tháng 7 vừa qua, biện pháp xây dựng giá trông giữ xe lũy tiến theo giờ và theo khu vực đã được xác định là một trong 45 giải pháp góp phần giảm phương tiện lưu thông vào nội đô, nhằm giảm UTGT. Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 04, liên ngành GTVT - Tài chính - LĐTB&XH - Cục thuế TP đã có Tờ trình số 871/TTRLN ngày 2/11/2017 và được UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án giá dịch vụ trông giữ xe mới, thực hiện từ 1/1/2018.
Đại biểu HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Hoài Nam cho rằng, TP đã thông qua nhóm các giải pháp để giảm thiểu UTGT, trong đó có các biện pháp kinh tế. “Không nên đặt vấn đề là TP thu được bao nhiêu tiền từ việc tăng giá trông giữ xe mà đó thực chất là biện pháp kinh tế để điều tiết giao thông, cần thiết phải thực hiện” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Trao đổi về những ý kiến cho rằng tăng giá trông giữ phương tiện sẽ “làm khó” người gửi xe, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà ở nhiều đô thị khác trên thế giới, ban đầu cũng có những dư luận như vậy. Thực tế là không ai cấm người dân sử dụng ô tô riêng, cũng không bắt buộc họ phải gửi trên lòng đường, hè phố. Chính quyền chỉ đưa ra các mức giá trông giữ để họ cân nhắc và tự lựa chọn có nên sử dụng xe riêng đi vào trung tâm hay không mà thôi. "Việc đưa ra mức giá trông giữ cao sẽ tác động lớn đến người dân, khuyến khích họ chuyển từ phương tiện cá nhân sang đi bộ, hoặc vận tải công cộng” - ông Khuất Việt Hùng nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở rộng hạ tầng cho lưu thông và bãi gửi xe trong trung tâm TP là vô cùng khó khăn, trong khi áp lực giao thông ngày một gia tăng. Vì vậy, muốn giảm thiểu UTGT, cách tốt nhất hiện nay là hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong lõi đô thị. Chuyên gia giao thông Đinh Quốc Thái nhìn nhận: “Việc dừng đỗ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè đang gây cản trở đáng kể cho xe cộ lưu thông và cả người đi bộ trong trung tâm TP, góp phần khiến cho UTGT ngày càng diễn biến phức tạp trong lõi đô thị. Như vậy, lợi ích của một nhóm người đang làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả cộng đồng”.
Hiệu quả lâu dàiGiám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, việc tăng giá trông giữ xe trên lòng đường, vỉa hè chỉ được áp dụng cho khu vực trung tâm TP, nơi đang quá tải hạ tầng, cấp thiết phải hạn chế phương tiện cá nhân để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. “Tôi cho rằng việc tăng giá sẽ có tác động đến một bộ phận người dân hiện đang có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển. Nhưng về lâu dài, sẽ giúp hạn chế bớt lượng xe cá nhân di chuyển ra vào và dừng đỗ trong khu vực lõi đô thị, giảm UTGT và ô nhiễm môi trường một cách bền vững” - ông Vũ Văn Viện bày tỏ.
Về những ý kiến trái chiều xoay quanh việc tăng giá trông giữ phương tiện, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng rất khó tránh khỏi, nhưng bằng các biện pháp tuyên truyền tích cực, tỷ lệ người dân đồng thuận sẽ ngày càng cao hơn. Đại biểu HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Hoài Nam cho hay, các đô thị lớn trên thế giới đã triển khai chính sách này từ lâu và rất có hiệu quả. Hà Nội cũng cần thực hiện ngay không thể chần chừ thêm nữa.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cũng cho rằng, những chính sách mới nhằm hạn chế xe cá nhân đương nhiên sẽ khó tránh khỏi phản ứng từ dư luận. Thậm chí, nhiều chính sách đúng đắn, cấp thiết của TP trong lĩnh vực GTVT đang gặp phải phản ứng trái chiều từ nhiều luồng dư luận. Chính quyền TP Hà Nội và các đơn vị thực thi cần liên tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ. Mục đích cao nhất của các biện pháp kinh tế là hạn chế xe cá nhân, giảm UTGT, bảo vệ môi trường sống cho chính người dân. “Người được lợi lớn nhất là Nhân dân chứ không phải ai khác” - ông Nga nhấn mạnh.