Tăng lãi suất huy động. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Cùng với việc tăng lãi suất, nhiều ngân hàng còn đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người gửi tiền. Trên thực tế, việc tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng vào vụ trước Tết Nguyên đán gần như đã trở thành quy luật khi trong dịp này, người dân, doanh nghiệp rút tiền nhiều hơn cho các hoạt động mua sắm, du lịch, trả lương, thưởng…
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) thì, việc tăng lãi suất huy động trong thời gian này chỉ mang tính mùa vụ, vào các thời điểm người dân rút tiền nhiều thì các ngân hàng phải tìm mọi cách để huy động lại nguồn vốn. Mặt khác, đây cũng có một phần hiệu ứng từ chính sách điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước và việc giảm lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm đối với tất cả đối tượng.
Theo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng bình quân 17,46% tính đến cuối năm 2016 (năm 2015 chỉ kỳ vọng tăng 14,35%), trong đó huy động vốn VND tăng nhanh hơn so với huy động vốn ngoại tệ.
Hơn nữa, trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 29/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, Ngân hàng nhà nước sẽ kiên trì mục tiêu ổn định lãi suất, tỷ giá trong năm 2016. Mặt bằng lãi suất hiện nay rất phù hợp với định hướng điều hành lâu dài là làm sao duy trì lạm phát ở mức dưới 5%. Dư địa giảm tiếp lãi suất xuống nữa là rất khó. Nếu lãi suất giảm bây giờ chỉ đạt mục đích ngắn hạn những sẽ phá vỡ trong lâu dài.