Kinhtedothi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được phát triển trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch định hướng phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát là phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế; kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai; tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách có hiệu quả; kết hợp nghiên cứu và đào tạo sau đại học về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn...
Ảnh minh họa.
Cùng với đó là phát triển đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, mạnh cả về số lượng và chất lượng, có khả năng giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế; là chỗ dựa, nòng cốt cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả nước.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng là nơi công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao ở trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng tích cực của khoa học xã hội và nhân văn, góp phần phát triển kho tàng trí tuệ khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.
Phấn đấu 80% cán bộ nghiên cứu có học vị tiến sĩ trở lên
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 hoàn thiện cơ cấu tổ chức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học (chuyên ngành, đa ngành và khu vực), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Học viện Khoa học xã hội có năng lực vượt trội trong nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, phản biện chính sách đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế; phấn đấu có trên 80% cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có học vị tiến sĩ trở lên.
Đồng thời, phấn đấu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiều tổ chức khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đủ khả năng giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia; từng bước hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới; có nhiều tạp chí về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đạt chất lượng cao, được quốc tế công nhận. Số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020.
Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, đa ngành
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải chú trọng nghiên cứu khoa học; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao; củng cố, phát triển tổ chức; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo; đổi mới phương thức quản lý trong hoạt động khoa học; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để phát triển khoa học xã hội và nhân văn...
Cụ thể, về nghiên cứu khoa học, chú trọng nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, phương pháp luận, phát triển các lĩnh vực khoa học có thế mạnh và có tiềm năng nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế liên kết chuyên ngành, gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn....