Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt kiều mua nhà Thống kê thấp hơn thực tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thường vào dịp cuối năm, khá đông Việt kiều về quê ăn tết kết hợp “sắm” nhà, đất. Đây là một trong những yếu tố kích thích thị trường nhà đất nhộn nhịp vào cuối năm. Thế nhưng năm nay, lượng Việt kiều mua nhà không nhiều.

KTĐT - Thường vào dịp cuối năm, khá đông Việt kiều về quê ăn tết kết hợp “sắm” nhà, đất. Đây là một trong những yếu tố kích thích thị trường nhà đất nhộn nhịp vào cuối năm. Thế nhưng năm nay, lượng Việt kiều mua nhà không nhiều.

Theo uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, gần đây nhiều kiều bào đến nhờ tư vấn về thủ tục mua nhà đất, trong đó phần lớn là kiều bào Mỹ và Tây Âu. Tuy nhiên, dù Nhà nước đã “mở cửa” nhiều hơn trong việc cho Việt kiều mua nhà đất nhưng vẫn chưa tạo ra được làn sóng mua nhà, căn hộ hoặc đất của đối tượng này.

Một năm: hơn mười Việt kiều mua được nhà


Theo ông Trần Hoà Phương, phó chủ nhiệm uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, từ năm 2006 đến nay cả nước chỉ có khoảng 140 Việt kiều mua nhà, đất. Trong đó tại TP.HCM có khoảng 100 trường hợp. Riêng trong năm 2009, cả nước có mười Việt kiều mua nhà, chủ yếu là ở TP.HCM. Đây là con số quá ít so với hơn bốn triệu kiều bào đang sống ở nước ngoài.

Ông Phạm Quang Hải, trưởng phòng giao dịch bất động sản Vinaland Phú Mỹ Hưng cũng cho biết, năm 2009 lượng khách hàng là Việt kiều đến công ty này nhờ tư vấn mua nhà đất ít. Ông Hải nói: “Có nhiều người đến hỏi mua nhưng lại không giao dịch”. Được biết dịp tết những năm trước, nhiều Việt kiều về mua nhà tại Phú Mỹ Hưng, trong đó có người mua đến sáu căn nhà tại đây để cho thuê.

Lý giải về hiện tượng Việt kiều mua nhà đất sụt giảm, giám đốc một công ty địa ốc tại TP.HCM cho rằng do khủng hoảng kinh tế tác động làm giảm thu nhập dẫn đến lượng kiều bào về Việt Nam mua nhà đất để ở, mở doanh nghiệp, đầu tư… giảm. Mặt khác, lượng Việt kiều mua nhà khiêm tốn so với tiềm năng còn do chủ trương và chính sách về nhà đất chưa thật sự thông thoáng khiến không ít người nản lòng.

Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Hàng Mỹ Hoa (ngụ nhà 224 khu phố Mỹ Kim 1, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng). Bà Hoa đã mua căn biệt thự trên vào năm 2002, song phải nhờ người cháu đứng tên giùm. “Những quy định về mua bán nhà rắc rối, trong khi tôi muốn mua ngay một căn hộ để về Việt Nam sống hẳn. Chính vì vậy, tôi đành phải nhờ người cháu đứng tên”, bà Hoa nói thẳng. Pháp lý căn hộ trên hiện đã được chuyển tên sang cho bà Hoa sau khi bà nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2003. Tuy đã đứng tên trên giấy tờ mua nhà, có điều đến nay sau tám năm, giấy chủ quyền nhà bà Hoa vẫn chưa có trong khi những nhà kế bên đã có từ lâu.

Tuy con số thống kê chính thức khiêm tốn, nhưng trên thực tế lượng kiều bào có nhà, đất lại không nhỏ. Thông tin từ các phòng môi giới nhà đất tại khu Phú Mỹ Hưng cho hay, nhiều cư dân ở đây là Việt kiều, trên giấy chủ quyền nhà lại không phải tên của họ (họ thường nhờ người thân đứng tên). Một số ý kiến khác thì cho rằng, gần đây Việt kiều có xu hướng hợp thức hoá nhà (đã mua) nhiều hơn là mua mới.

Chờ hướng dẫn

Ông Ngô Dương Hoàng Thao, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần tư vấn – đầu tư Đại Đông Dương, nhận xét lượng kiều bào có tài sản từ 500.000 đến 1 triệu USD không ít và thị trường bất động sản Việt Nam là kênh đầu tư được Việt kiều ưa thích. “Khả năng sinh lời của kênh bất động sản tương đối hấp dẫn, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thực của nhiều Việt kiều là muốn có một căn nhà tại Việt Nam để ở khi về thăm quê hoặc hồi hương”, ông Thao phân tích.

Cũng theo ông Thao, quy định diện Việt kiều được mua nhà ở đã mở rộng theo hướng thoáng hơn trước. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn phải chờ hướng dẫn mới đi vào cuộc sống. “Luật quy định Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, có thể được hiểu là Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất. Vậy, Việt kiều có được phép mua đất dự án rồi sau đó tự xây nhà không? Vấn đề này vẫn chưa có nghị định hướng dẫn”, ông Thao dẫn chứng. Trong một số trường hợp, việc xác định người gốc Việt Nam gặp khó khăn nếu họ được sinh ra ở nước ngoài, nay bố mẹ đều đã mất.

Chính những quy định chưa rõ ràng trên nên đa số những Việt kiều có nhu cầu và có khả năng đều đã nhờ bà con thân thuộc đứng tên mua. Đó là chưa kể, nhiều kiều bào không biết phải xin giấy xác nhận đủ điều kiện để mua căn hộ ở đâu, bởi luật chưa chỉ rõ cơ quan nào xác định giấy này.

Ông Trần Hoà Phương nói: “Pháp lý quy định việc mua nhà của kiều bào đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2009, song chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều vướng mắc của kiều bào khi mua nhà đất, ngay cả cơ quan hành chính cũng chưa biết phải hướng dẫn, giải quyết như thế nào. Chính vì vậy, việc mua nhà của Việt kiều có khả thi hay không còn phải chờ Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết”.