Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish (phải) trao đổi cùng GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, Ấn Độ là một trong 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông”.
Năm 2017 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, khi hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiệt lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược, 25 quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN... Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nguồn gốc sâu xa và có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa. Đồng thời, việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam năm 2016 là cột mốc quan trọng cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.
Theo Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ đã tăng từ mức 237 triệu USD trong năm 2001 - 2002 lên mức 10.135 tỷ USD trong năm 2016 - 2017, tức là tăng 4.000% trong vòng 15 năm qua. Cũng theo một báo cáo của ngân hàng HSBC, Việt Nam là đối tác xuất khẩu và nhập khẩu phát triển nhanh nhất của Ấn Độ trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish phát biểu. |
Đối với những cơ hội và thách thức trong quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, PGS. TS Nguyễn Xuân Trung - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, VASS cho rằng, có một sự chênh lệch thương mại trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ. Theo thống kê những năm gần đây, sự chênh lệch có năm lên tới 3,5 tỷ USD. Trong vòng 20 năm qua, chỉ có một số năm, thống kê của Việt Nam vượt thống kê của Ấn Độ về kim ngạch thương mại.
Để xảy ra tình trạng trên là do, thứ nhất sự khác biệt về cách thức thống kê, khi năm tài chính của Ấn Độ khác năm tài chính của Việt Nam. Thứ hai, có một lượng lớn sản phẩm thịt (trâu, bò) của Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam, nhưng lại được xuất khẩu ngay sang Trung Quốc dưới dạng tạm nhập tái xuất. Những sản phẩm này không tính vào nhập khẩu ở Việt Nam, nhưng vẫn tính vào xuất khẩu của Ấn Độ. Thứ 3 là các yếu tố văn hóa, tôn giáo, lề lối, phong cách làm việc, sự khác biệt thể chế, thực thi cam kết, tính chủ động của các DN kém…
Để tiếp tục phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng, hai bên cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, giới thiệu về bản thân mỗi bên. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả hai bên. Quan trọng là cần có một hiệp định FTA song phương của riêng hai nước Việt Nam - Ấn Độ.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết, cộng đồng DN Ấn Độ rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam. ASEAN và Ấn Độ đã thiết lập Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và trên cơ sở đó, Ấn Độ cũng đang chủ trương thúc đẩy thương mại với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam). Chính phủ hai nước đang tập trung tận dụng tối đa những lợi ích các hiệp định thương mại này. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán. Theo tôi, đây là những cơ sở vững chắc để mối quan hệ thương mại giữa hai nước được mở rộng trong thời gian tới.