Tại buổi gặp song phương với Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Việt Nam đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Nhật Bản, đặc biệt là của Bộ trưởng Motegi trong suốt tiến trình thúc đẩy và đàm phán nhằm đạt được Hiệp định CPTPP có chất lượng cao, nhưng vẫn dành những linh hoạt cần thiết, phù hợp với trình độ phát triển của mỗi thành viên.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gặp song phương với lãnh đạo bộ, ngành các nước. |
Đặc biệt, Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của Nhật Bản trong việc thuyết phục các thành viên CPTPP khác đồng ý dành sự linh hoạt cho Việt Nam đối với các vấn đề mà Việt Nam quan tâm như: Lao động, sở hữu trí tuệ… góp phần kết thúc đàm phán toàn diện Hiệp định tại Nhật Bản vào tháng 1 vừa qua. Bộ trưởng cho biết, hai bên hoan nghênh thành công của Hiệp định CPTPP nói chung và Lễ ký kết Hiệp định CPTPP nói riêng. Đây sẽ là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao và toàn diện, là nền tảng định hình các mối quan hệ mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng Nhật Bản và các nước sớm đưa Hiệp định vào thực thi nhằm hiện thực hóa các lợi ích mà hiệp định mang lại cho DN và người dân các nước tham gia.
"Việt Nam đề nghị Nhật Bản sớm triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết nhằm giúp Việt Nam thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết trong Hiệp định CPTPP, đặc biệt là các nội dung liên quan tới CPTPP và hợp tác khu vực được nêu tại Ý định thư về hợp tác chiến lược chung giữa hai nước đã được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Seiko Hiroshige - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vào ngày 14/9/2017 tại Việt Nam." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh |
Cơ hội mới cho Việt NamTrong buổi gặp song phương với Chile dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Việt Nam đánh giá cao việc Chile đứng ra đăng cai tổ chức lễ ký kết Hiệp định CPTPP. Việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định là sự kiện quan trọng đối với tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, giúp đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang diễn ra.
Là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao và toàn diện, CPTPP sẽ là nền tảng định hình các mối quan hệ mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thời gian tới. Việc 11 nước ký kết Hiệp định CPTPP sẽ là một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề để các thành viên tham gia bắt đầu quá trình phê chuẩn và đưa hiệp định vào thực thi. Nước bạn Chile cũng nhất trí với quan điểm của Việt Nam về những lợi ích mà Hiệp định này mang lại, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực tiến hành các thủ tục cần thiết để Hiệp định sớm được phê chuẩn đi vào thực thi.
Về quan hệ thương mại song phương, hai bên đánh giá cao những kết quả tích cực về thương mại đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile có hiệu lực và đi vào thưc thi. Do vậy, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến FTA tới cộng đồng DN hai nước thông qua các sự kiện xúc tiến, hội nghị, hội thảo… để ngày càng nhiều DN tận dụng lợi ích của Hiệp định khi tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ hai bên cần tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến cách thức tận dụng các điều khoản ưu đãi trong Hiệp định cho DN nhằm giảm bớt thời gian, thủ tục và chi phí cho DN cũng như các cơ quan quản lý.
Cũng trong ngày 9/3, tại cuộc gặp song phương với Mexico, hai bên đã tiến hành trao đổi các thư song phương mà hai Bộ trưởng đã ký kết trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận một số nội dung nhằm chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định CPTPP sau này.