Tại trụ sở của Joy Entertainment đặt tại TP Hồ Chí Minh, các thành viên đồng sáng lập của nhà phát triển trò chơi Internet đang nhóm họp ngay trên sàn nhà. Sản phẩm của công ty với những nhà thiết kế có độ tuổi trung bình là 22 đã có tới hơn 2 triệu người trên khắp thế giới tải về.
Cách đó không xa, trong một văn phòng chưa đầy 20m2, Ticketbox – công ty phát triển phần mềm bán vé sự kiện vừa mở rộng hoạt động kinh doanh sang Thái Lan và Myanmar.
Đối với những công ty dựa khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, tác động của các hiệp định thương mại tự do là rất ít bởi thị trường kinh doanh của họ là không biên giới. Tuy nhiên, với phần còn lại rộng lớn hơn của nền kinh tế Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do đặt ra không ít thách thức. Chính phủ và các doanh nghiệp đang phải nỗ lực thực hiện những thay đổi cần thiết bởi sự ra đời của AEC vào ngày 1/1/2016 sẽ tại ra một thị trường chung duy nhất cho 10 nước thành viên ASEAN.
AEC mở ra cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
|
Một số nhà quan sát nhận định khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho AEC và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra được một thách thức là sự hình thành của thị trường chung khu vực sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức với sự gia tăng cạnh tranh.
AEC sẽ biến ASEAN thành một thị trường sản xuất và tiêu thụ duy nhất được đặc trưng bởi dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cũng như dòng chảy tự do hơn về vốn và kỹ năng. Các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng từng khẳng định: “Thay vì có 10 nền kinh tế bị phân mảnh, ASEAN đang tạo ra một thị trường duy nhất cho phép các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thị trường có tổng số là 600 triệu dân”.
AEC và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán với hàng loạt các đối tác lớn khác sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Thông tin Kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành thiết lập mục tiêu, tiêu chí chuẩn về hậu cần và hỗ trợ thương mại cho AEC. Trong khi một ủy ban điều phối quốc gia về gia nhập AEC cũng đã được thành lập.
Ngày 8/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đã nhấn nút, công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Hệ thống này là công cụ thuận lợi hóa thương mại và góp phần đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và một thị trường chung.
Trong cuộc phỏng vấn được tổ chức tại văn phòng của ông ở TP Hồ Chí Minh, ông Bình cho biết, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 66% các quy định về thuế, tiêu chuẩn về chất lượng để gia nhập AEC.
Nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng kể từ sau công cuộc Đổi mới được thực hiện từ năm 1986, đưa một đất nước bị chiến tranh tàn phá có thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD thành một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 2,840 USD.
Là nền kinh tế lớn thứ 7 trong ASEAN nhưng Việt Nam lại là quốc gia thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 khu vực với khoảng 9 tỷ USD trong năm 2013, chỉ sau Thái Lan. Tổng sản phẩm trong nước đã tăng 6,28% trong nửa đầu năm nay, gấp 2 lần so với Thái Lan. Các nhà nghiên cứu dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình 5,3% đến năm 2050.
Điện thoại, linh kiện điện tử là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị khoảng 23,6 tỷ USD trong năm ngoái. Tiếp theo là dệt may và các sản phẩm may mặc với giá trị xuất khẩu khoảng 20,95 tỷ USD, tiếp theo là thiết bị điện tử, máy tính và phụ kiện: 11,4 tỷ USD; giày dép: 10,34 tỷ USD.
Linh kiện vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
|
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ chiếm tới 19% tổng giá trị; tiếp theo là Liên minh châu Âu với 18%. Tuy nhiên, với tư cách là một khối liên minh, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim nghạch 2 chiều vào năm ngoái là 42,08 tỷ USD.
Mặc dù tập trung mạnh mẽ vào xuất khẩu, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với các khái niệm về AEC. Ngay cả tại VCCI với 10.000 công ty thành viên trên toàn quốc, ông Bình cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn nhận đúng lợi ích và lợi thế của AEC.
Ông Giản Tư Trung, 41 tuổi, bắt đầu thành lập trường đào tạo doanh nhân PACE tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2001. Đến nay, trường đã đào tạo khoảng 45.000 lãnh đạo doanh nghiệp và đã mời tới Việt Nam rất nhiều nhà kinh tế và marketing hàng đầu thế giới như Michael Porter, Philip Kotler và Paul Krugman để chia sẻ kiến thực, kinh nghiệm về khả năng cạnh tranh.
Ông Nirmal Ghosh – Phụ trách khu vực Đông Dương của Strait Time đánh giá cao sự chuẩn bị của Việt Nam cho AEC.
|
Nhưng gần đây, trong các buổi hội thảo hay các chương trình giảng dạy, ông Giản Tư Trung đã tập trung vào thông điệp đừng coi Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, Thái Lan là thị trường nước ngoài nữa, hãy coi đây là sân nhà của mình. Ông Trung cũng đặt rất nhiều niềm tin vào tinh thần doanh nghiệp của các doanh nhân Việt Nam, yếu tố đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong 2 thập kỷ qua. Theo ông Trung, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh khi họ nhận ra những gì đang xảy ra.
Và để chuẩn bị lợi thế cho thế hệ trẻ, lần đầu tiên các trường đại học Việt Nam đã đưa vào giảng dạy về ASEAN. Ở tuổi 28, Nguyễn Trần Phi Yến, CEO của một công ty tư vấn nghề nghiệp và là giảng viên Đại học Quốc gia đang tham gia giảng dạy một chương về AEC. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Phi Yến cho biết, không phải sinh viên nào cũng có nhận thức đúng đắn về thị trường rộng lớn của ASEAN.
“Tôi đã nói chuyện với các sinh viên về cơ hội du lịch quanh ASEAN, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Và tôi rất lạc quan bởi họ đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch kinh doanh” – nữ giảng viên trẻ tin tưởng.