Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam có thể là nơi diễn ra đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đây, trong quá khứ, Việt Nam từng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Tokyo về vấn đề đoàn tụ gia đình và công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Từ ngày 8 - 9/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Việt Nam. Đây là hoạt động ngoại giao song phương mới nhất sau việc Mỹ mời Việt Nam tham dự cuộc tập trận RIMPAC và chuyến công du đến Mỹ của Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên kể từ khi ông Mike Pompeo nhậm chức. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ông Mike Pompeo tới thăm.

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi tiếp đối tác Mỹ tại Việt Nam chiều 8/7. Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại giữa 2 nước trong năm 2017 là 51 tỷ USD và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, quốc phòng và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Theo GS Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia, Ngoại trưởng Mike Pompeo là quan chức chính quyền Tổng thống Trump dẫn đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông sẽ đến thăm Việt Nam ngay sau Bình Nhưỡng và Tokyo. Vì vậy, sau khi các vấn đề kinh tế nổi bật đã được trao đổi trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào tháng 6, chuyến thăm này của ông Mike Pompeo được dành để thảo luận về vấn đề phi hạt hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ có thể bàn thảo về vai trò tiềm năng của Việt Nam trong tiến trình phi hạt hóa bán đảo Triều Tiên, GS Carl Thayer nói.

Trước đây, trong quá khứ, Việt Nam từng là nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Tokyo về vấn đề đoàn tụ gia đình và công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình này với tư cách là một địa điểm cho các cuộc đàm phán giữa các bên, GS của Học viện Quốc phòng Australia dự đoán. Việt Nam cũng có thể được xem như một hình mẫu để chia sẻ với Bình Nhưỡng kinh nghiệm cải cách kinh tế trong nước và mở cửa cho nền kinh tế thế giới.

Quan trọng hơn, qua chuyến thăm này, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia có vai trò quan trọng trong các vấn đề thế giới. Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã phát biểu tích cực về vai trò xây dựng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực. Việt Nam dự kiến đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và gần đây đã được Liên minh châu Á thông qua để ứng cử cho vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.