Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đang cần thêm nhiều việc làm có kỹ năng cao

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam ở mức thấp, tuy nhiên chất lượng việc làm lại đang là một thách thức.

Ngày 27/11, tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ LĐTB&XH tổ chức, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết: Thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người.
Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần nhiều việc làm tốt hơn. Ảnh: Thủy Trúc

Làm sao để xây dựng một tương lai việc làm tốt hơn trong thời đại chuyển đổi, bằng cách tận dụng các cơ hội đem lại và chuẩn bị đối mặt với những thách thức mới nổi là câu hỏi sống còn của thời đại chúng ta.

Theo báo cáo mới của ILO, kinh tế Việt Nam đang tạo ra nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao. Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy, 53% số việc làm trên cả nước cần kỹ năng trung bình, 12% việc làm đòi hỏi kỹ năng cao, còn lại là việc làm kỹ năng thấp.

Theo bà Valentinan Barcucci - Chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam: So sánh cơ cấu phân bổ này với các quốc gia có thu nhập trung bình cao cho thấy những điểm khá thú vị. Các nước thu nhập trung bình cao có tỷ trọng việc làm kỹ năng thấp tương đồng với Việt Nam (32%), việc làm kỹ năng trung bình lớn hơn (48%) và tỷ trọng việc làm kỹ năng cao lớn hơn rất nhiều (20%, cao gần gấp đôi Việt Nam).

Vì thế, Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần nhiều việc làm tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam ở mức thấp, tuy nhiên chất lượng việc làm lại đang là một thách thức.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế.

Bộ luật Lao động mới tích hợp khá đầy đủ những bản nguyên tắc của các công ước cơ bản của ILO, kể cả hai công ước về tự do hiệp hội và lao động cưỡng bức mà Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong những năm tới.

Và, Diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện cam kết ở cấp cao nhất của Chính phủ về phát triển kỹ năng và đưa ra phương hướng chính sách cho một tương lai việc làm tươi sáng hơn thông qua cải thiện năng suất dựa vào nâng tầm kỹ năng lao động trong cả nước cũng như phối hợp cung cầu tốt hơn về kỹ năng.