Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đạt kỷ lục về xuất nhập khẩu và khách du lịch trong năm 2024

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 60 hoạt động đối ngoại cấp cao, 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục gần 800 tỷ USD, 2024 đánh dấu một năm ngoại giao sôi động và hiệu quả của Việt Nam.

Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của năm 2025, diễn ra ngày 9/1 tại Hà Nội, Người phát ngôn bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã vui mừng chia sẻ các thành tựu về đối ngoại của Việt Nam trong năm vừa qua.

"Nhìn lại cả năm 2024, Việt Nam tiếp tục đạt rất nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và xây dựng nền kinh tế tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế," bà Phạm Thu Hằng nêu rõ. "Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững".

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang trên đường hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mở ra giai đọan phát triển chiến lược mới của đất nước, mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/1/2025. Ảnh: Việt Anh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/1/2025. Ảnh: Việt Anh

2024 cũng là năm Việt Nam có các hoạt động đối ngoại sôi động, mang tính nâng tầm quan hệ với nhiều đối tác. Các lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành 60 hoạt động đôi ngoại cấp cao, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và dự các hội nghị đa phương quan trọng, đón 25 đoàn lãnh đạo các cấp ở nước ngoài thăm Việt Nam.

Đáng chú ý, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện với Pháp, Australia và Malaysia, đồng thời nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược với Brazil, và quan hệ Đối tác Toàn diện với Mông Cổ và Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE). Tổng cộng, Việt Nam cho đến nay đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 32 nước.

Đồng thời, có tới 170 thỏa thuận đã được ký kết nhân dịp các hoạt động đối ngoại cấp cao. Điều này đã tạo sự đổi mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế cả ở tầm khu vực và toàn cầu trên các diễn đàn ASEAN, Liên Hợp Quốc, Tiểu vùng sông Mekong, APEC, G20, Phong trào Không liên kết hay Cộng đồng Pháp ngữ ...

Việt Nam cũng đang đảm nhận trọng trách quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và 6/7 cơ chế điều hành quan trọng của UNESCO, tiếp tục đóng góp vào việc xử lý các vấn đề chung như biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam chủ trương kết nối, hợp tác với các đối tác, nhất là các đối tác trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ tiên tiến  như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, nước ta cũng thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, lao động cùng có lợi với các đối tác khác nhau

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng còn tiết lộ, ngoài việc là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn ở khu vực, Việt Nam còn lập 2 kỷ lục lớn là: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục - gần 800 tỷ USD, và đón lượng khách quốc tế kỷ lục - gần 18 triệu lượt khách.

Các mảng công tác khác như ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân … tiếp tục có những đóng góp hết sức quan trọng cho thành công chung của chính sách đối ngoại của đất nước. Trong năm 2024, tổ chức UNESCO đã ghi danh thêm 6 danh hiệu di sản, nâng tổng số danh hiệu UNESCO của Việt Nam lên 71.

Cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua được triển khai trên tinh thần bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp, an ninh và an toàn cho công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài

Thay mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cũng gửi lời cảm ơn đối với sự hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ, ủng hộ từ các phóng viên trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Thông qua các tin, bài, phóng sự của báo chí, công chúng quốc tế được tiếp cận những thông tin sinh động, chính xác, kịp thời về Việt Nam để từ đó thêm hiểu, thêm yêu đất nước Việt Nam.

Ngoài ra, theo bà Phạm Thu Hằng, 2025 sẽ là một năm rất đặc biệt đối với Việt Nam. Đó lời thời điểm trong nước sẽ có hàng loạt hoạt động kỷ niệm như 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, và 80 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, 2025 cũng là năm Việt Nam cùng các nước kỷ niệm rất nhiều mốc quan trọng trong quan hệ như năm chẵn, năm tròn, năm lẻ 5. Đồng thời, Việt Nam sẽ đăng cai nhiều hội nghị quốc tế lớn, như Hội nghị diễn đàn tương lai ASEAN lần II sau hội nghị đầu tiên được tổ chức năm ngoái, và Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2025.

Do đó, Bộ Ngoại giao rất mong tiếp tục phối hợp chặt chẽ, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhu cầu thông tin về tình hình mọi mặt của Việt Nam, cũng như các yêu cầu thông tin tác nghiệp của phóng viên, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam hay các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.